Multimedia Đọc Báo in

Trồng ớt hữu cơ để xuất khẩu

08:11, 29/06/2021

Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản như vải, dưa hấu, khoai lang, bí, tiêu…, thì mô hình liên kết sản xuất ớt hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ đang được một số người dân triển khai, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.

Những ngày này, gia đình ông Cao Văn Khương (ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đang thu hái những lứa ớt hữu cơ đầu tiên.

Ông Khương cho hay, những năm trước ông canh tác 5 sào ớt theo kinh nghiệm thông thường là có sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc trừ sâu bệnh. Khi thu hoạch, thương lái tìm đến mua, dù vậy giá cả luôn thấp và bấp bênh, thậm chí nhiều vụ không bán được.

Đầu tháng 3-2021, ông liên kết với Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (địa chỉ: Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) trồng 3 ha ớt chỉ thiên Hàn Quốc theo quy trình hữu cơ để xuất khẩu.

Phía công ty hỗ trợ trả sau 100% giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao ổn định.

Ớt là loại cây dễ trồng, không kén đất, từ lúc xuống giống đến khi cho quả chín là 3 tháng và thu hoạch đều trong thời gian khoảng 6 tháng tiếp theo. Năng suất ớt hữu cơ so với việc trồng truyền thống là ngang nhau, thậm chí, ớt hữu cơ còn cho quả to đều, cay và mẫu mã đẹp hơn cách trồng truyền thống.

 

Thu hoạch ớt tại vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thức (trú tại buôn Tul, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).
Thu hoạch ớt tại vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thức (trú tại buôn Tul, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Thức ở buôn Tul, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) cũng có 4 ha ớt trồng theo quy trình hữu cơ liên kết với Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, hiện đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Theo anh Thức, bên cạnh yếu tố cơ bản về quỹ đất, giống ớt, nguồn nước đã được bên Công ty khảo sát, đánh giá trước đó, thì các công đoạn chăm sóc từ tưới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn, đảm bảo sạch, an toàn cho người và môi trường. Hằng ngày, gia đình anh thuê hơn 30 nhân công hái ớt chín. Hiện nay, ớt chỉ thiên thông thường trên thị trường có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng tại vườn của anh Thức được đơn vị liên kết bao tiêu giá 18.000 đồng/kg. Anh Thức tính toán, mỗi héc-ta ớt của gia đình hiện nay trừ chi phí sản xuất, nhân công cũng thu lãi 300 triệu/năm, cao hơn hẳn việc trồng ớt truyền thống cũng như một số cây trồng khác.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm cho hay, đầu năm 2021, Ban Mê Green Farm đã tìm được đối tác tại Nhật Bản để xuất khẩu ớt chỉ thiên theo quy trình hữu cơ sang thị trường nước này với hợp đồng cung ứng 30 tấn/tháng. Theo đó, Công ty tiến hành khảo sát vùng trồng và đến nay đã liên kết với gần 10 hộ dân trên địa bàn tỉnh, trồng 17 ha ớt chỉ thiên theo quy trình hữu cơ và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn với giá 18.000 đồng/kg. Để có vùng nguyên liệu sạch, doanh nghiệp phải đồng hành với người dân ngay từ những bước ban đầu. Những hộ dân nào đăng ký tham gia sản xuất ớt sạch thì phải có cam kết trước khi ký hợp đồng. Sau đó, kỹ thuật viên của Công ty sẽ đến tận vườn để hướng dẫn, giám sát cùng làm với người dân. Công ty cũng thường xuyên test kiểm tra từng công đoạn sản xuất, thu hoạch và trước khi đóng gói phải gửi mẫu cho đối tác nhập khẩu.

 

Công nhân Công ty TNHH Ban Mê Green Farm sơ chế và đóng gói ớt để xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Ban Mê Green Farm sơ chế và đóng gói ớt để xuất khẩu.

 

Ngoài ra, hằng năm, Công ty còn trích một phần kinh phí cho nông dân ứng trước để đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, vùng nguyên liệu của Công ty luôn đảm bảo ổn định. “Từ tháng 4-2021 đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 60 tấn ớt trái sang thị trường Nhật Bản. Công ty cũng vừa tìm được một đối tác tại Hàn Quốc để xuất khẩu 240 tấn ớt trái/tháng sang thị trường nước này. Hiện chúng tôi đang thương thảo, tìm kiếm vùng trồng nguyên liệu cả ở Đắk Lắk, Bình Phước với khoảng 180 ha.”- bà Thanh cho biết thêm.

Có thể thấy, việc trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Lê Thành


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.