Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động: Vẫn là "kênh" đáng chọn

08:30, 24/06/2021

Do dịch bệnh COVID-19 nên cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) và người lao động đều thấp thỏm, thậm chí có người đã rút đơn đăng ký. Vậy, liệu việc ra nước ngoài làm việc có còn hấp dẫn người lao động của tỉnh?

Đợi chờ mở cửa

Năm 2021, huyện Buôn Đôn phấn đấu đưa khoảng 20 lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn theo hợp đồng, nhưng đến đầu tháng 6 khoảng 50% số lao động đăng ký XKLĐ xin rút đơn vì dịch COVID-19, chỉ duy nhất 1 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở Nhật Bản. “Chưa khi nào công tác XKLĐ của địa phương lại ảm đạm như năm nay”, ông Y Sê Êban, Trưởng Phòng LĐ - TBXH huyện Buôn Đôn cho hay.

Đến cuối tháng 5-2021, huyện Cư M'gar có 27 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả này có phần khả quan hơn một số địa phương trong tỉnh, nhưng vẫn giảm so với cùng thời điểm các năm trước. Ông Lê Văn Đức, Phòng LĐ - TBXH huyện cho biết, nhu cầu đi xuất khẩu của lao động trong huyện khá nhiều, nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên mọi hoạt động liên quan đến hoạt động XKLĐ  gần như “đóng băng”. Ngành lao động huyện khó đạt chỉ tiêu đưa 85 người đi XKLĐ trong năm 2021 theo Nghị quyết HĐND huyện giao.

Người lao động tìm hiểu  thông tin  về thị trường  lao động  tại Trung tâm Dịch vụ  việc làm tỉnh.
Người lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Không riêng hai huyện Buôn Đôn và Cư M’gar, đây là tình hình khó khăn chung của tỉnh. Song cả doanh nghiệp và người lao động đều có chung kỳ vọng rồi hoạt động XKLĐ sẽ có triển vọng khả quan khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, đẩy lùi. Kỳ vọng này là có cơ sở, vì dịch bệnh nên công tác tuyển lao động mới không thể triển khai rộng rãi, còn nhu cầu sử dụng lao động của các nước rất lớn và nhu cầu XKLĐ của người dân khá nhiều. Một số lao động đã được công ty của nước sở tại tuyển dụng, hoàn tất các thủ tục liên quan, đang chờ ngày xuất cảnh.

“Hiện nay, đơn hàng tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc khá nhiều, không chỉ là những thị trường lao động truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) mà kể cả Nga và một số nước khác. Trong đó nhu cầu tuyển lao động nhiều nhất vẫn là Nhật Bản, với nghề điều dưỡng và các ngành nghề liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, chế biến”.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lê Hải Lý

Cũng như nhiều lao động trong tỉnh, anh Đồng Văn Toàn (ở thôn 16, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đang tìm kiếm cho mình cơ hội để làm việc ở nước ngoài theo kênh chính thống do xã giới thiệu để thoát nghèo như một số hộ trong thôn. Song, trước mắt vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, anh sẽ nộp hồ sơ đăng ký XKLĐ.

Thị trường rộng mở

Mỗi năm tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.000 người đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) – đây là các thị trường XKLĐ truyền thống, hấp dẫn người lao động bởi có mức thu nhập cao, ổn định. Mỗi lao động đi XKLĐ gửi về cho gia đình từ 3.500 - 3.700 USD/năm, đã góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân, gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thìn (ở thôn 4, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) có ba con trai đi XKLĐ ở Nhật Bản. Hiện tại, hai con Lê Văn Ý và Lê Văn Pháp đã được công ty bảo lãnh ở lại làm việc, sau khi thi đỗ tiếng Nhật đạt trình độ N1 và N3, mức lương hằng tháng theo đó cũng tăng; còn con trai út Lê Văn Anh mới sang, đang thời gian học việc. Nhờ số tiền các con tiết kiệm gửi về đều đặn mỗi tháng hơn 50 triệu đồng, chị Thìn đã trả hết số tiền vay ngân hàng chi phí để các con XKLĐ, mua được nhà ở, đất sản xuất. Bản thân chị Thìn từng đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc), số tiền tiết kiệm được trong 2 năm lao động ngoài nước, chị đầu tư cho các con học tiếng nước sở tại, học nghề đi XKLĐ.

Phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Krông Pắc vào giữa tháng 4-2021.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Krông Pắc vào giữa tháng 4-2021.

Theo ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong điều kiện hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 phải cắt giảm lao động, thì việc lựa chọn XKLĐ đến các nước có các biện pháp phòng, chống COVID-19 tốt, có môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ tốt, cũng là giải pháp cần tính tới để người lao động có việc làm, có thu nhập. Lao động Đắk Lắk đã tạo được uy tín rất tốt với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Hiện tại đơn hàng tuyển dụng lao động làm việc ngoài nước khá nhiều, do dịch bệnh nên người lao động chưa thể ra nước ngoài làm việc.

Với vai trò là “cầu nối”, giữa người lao động và doanh nghiệp, thời điểm này song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động về những thị trường XKLĐ có môi trường làm việc, có chế độ lương, thưởng tốt, bảo đảm những quyền lợi khác, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang tập trung tìm kiếm nguồn tuyển để khi dịch bệnh được khống chế, sẽ kết nối với các công ty XKLĐ uy tín đưa lao động địa phương ra nước ngoài làm việc.

Hoàng Trần

 


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.