Multimedia Đọc Báo in

Hiến "đất vàng" mở rộng đường giao thông

07:54, 21/07/2021

Nằm ở trung tâm thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), tấc đất là tấc vàng, nhưng khi triển khai các công trình giao thông, hàng chục hộ dân địa phương đã sẵn sàng hiến đất, bàn giao mặt bằng để Nhà nước mở rộng đường.

Cuối năm 2020, Dự án đầu tư xây dựng đường Chu Văn An và đường Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Buôn Trấp) được khởi công xây dựng. Công trình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài hơn 1,5 km, tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, đường Nguyễn Chí Thanh dài hơn 538 m, đầu tư giai đoạn 1 mặt đường rộng 10 m; đường Chu Văn An dài gần 982 m, mặt đường rộng 10,5 m.

Đường Chu Văn An (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) mở rộng, nhiều cửa hàng, quán xá mọc lên.
Đường Chu Văn An (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) mở rộng, nhiều cửa hàng, quán xá mọc lên.

Xác định việc nâng cấp, mở rộng hai tuyến đường này có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện nhà nên trước khi triển khai dự án, chính quyền địa phương các cấp đã tích cực vận động người dân tự nguyện hiến đất, mở rộng đường. Theo ông Hồ Hoàng, Tổ trưởng tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp, triển khai tuyến đường Chu Văn An và Nguyễn Chí Thanh, tổ dân phố 6 có 56 hộ dân bị ảnh hưởng. Khi được UBND thị trấn Buôn Trấp thông báo về việc thu hồi đất để triển khai dự án, Ban tự quản tổ dân phố đã tổ chức họp dân, qua đó tuyên truyền, vận động bà con dọc tuyến đường hiến đất. Ban đầu công tác vận động gặp không ít khó khăn, bởi một số người dân vẫn có suy nghĩ đất là của mình, khi Nhà nước thu hồi thì phải đền bù, hỗ trợ. Thế nhưng, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, khi hiểu rõ được ý nghĩa của chủ trương làm đường, tất cả bà con đều đồng tình và sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào.

Bà Bùi Thị Mai Vân (người dân tổ dân phố 6) chia sẻ, khi hay tin Nhà nước mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh khu vực trước nhà, bà và mọi thành viên trong gia đình rất vui. Gia đình bà ở đây từ mấy chục năm nay, mang tiếng ở đường khu vực trung tâm nhưng những năm qua con đường Nguyễn Chí Thanh cực kỳ nhỏ hẹp, bí bách. Do đó, khi được Ban tự quản tổ dân phố đến vận động, gia đình bà đã không ngần ngại hiến đất làm đường. Khi triển khai làm đường, gia đình bà đã hiến 20 m chiều dài chạy dọc con đường và sâu vào 2 m. Nếu trong tương lai, Nhà nước tiếp tục mở rộng đường thì bà cũng tự nguyện hiến thêm đất. “Từ ngày được nâng cấp, mở rộng, con đường trước nhà tôi không còn những vũng nước đọng khi mùa mưa đến, không gian thông thoáng hơn nhiều, góp phần thay đổi bộ mặt khu dân cư”, bà Vân nói.

Còn với hộ ông Hồ Công Chấm (tổ dân phố 6) thì đây là lần thứ hai gia đình ông hiến đất để Nhà nước làm đường Nguyễn Chí Thanh. Được biết, năm 2000 cũng ở vị trí này, gia đình ông đã tự nguyện hiến đất để mở mới đường. Thời điểm đó, đường dù được mở ra nhưng cũng chỉ rộng chừng 3 m. Dù ở khu vực trung tâm nhưng do đường chật nên khu dân cư không được sầm uất, nhộn nhịp như ở nơi khác. Năm 2020, được tin Nhà nước tiếp tục mở rộng đường trước nhà, gia đình ông ai cũng vui mừng vì như vậy việc đi lại, buôn bán sẽ thuận tiện hơn. Khi địa phương vận động hiến đất, mọi thành viên trong nhà ai cũng đồng tình hưởng ứng. Ông Chấm cho hay, bản thân ông từng được tôi rèn trong quân ngũ, với 32 năm tuổi Đảng và gắn bó với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana cho đến lúc nghỉ hưu, ông luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Là một đảng viên, ông luôn nêu cao tinh thần xung phong để từ đó bà con lối xóm làm theo. Ban đầu một số hộ dân do chưa hiểu rõ chủ trương, vẫn yêu cầu Nhà nước đền bù hỗ trợ, nhưng khi thấy gia đình ông tự nguyện hiến đất thì bà con cũng hưởng ứng làm theo. Đến nay, tuyến đường cơ bản hoàn thành, mặt đường rộng 10 m, quán xá mọc kín, khu dân cư trở nên sầm uất hẳn. Đặc biệt, từ ngày đường mở rộng, giá đất ở đây tăng lên rất cao, bà con ai cũng phấn khởi.

Vị trí hộ ông Hồ Công Chấm (tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) hai lần hiến đất mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hoàng Tuyết
Ông Hồ Công Chấm (bìa trái) ở tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana kể về vị trí đất gia đình ông hai lần hiến tặng để mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh. 

Ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Ana cho biết, để triển khai công trình đường Chu Văn An và đường Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Buôn Trấp) có gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích thu hồi khoảng 1.000 m2. Khi có chủ trương đầu tư, địa phương đã bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng, tích cực vận động người dân hiến đất mở rộng đường. Được sự đồng thuận cao trong nhân dân nên mặt bằng sớm được bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công. Hy vọng rằng, phong trào hiến đất làm đường ở dự án này sẽ lan tỏa rộng rãi, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng ở các công trình xây dựng cơ bản của huyện nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung.

Hoàng Tuyết


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.