Sau 3 tháng thực hiện chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp: Còn nhiều lúng túng và bất cập
Sau 3 thángthực hiện chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trên địa bàn tỉnh đã có 217 người đăng ký thất nghiệp và gần 100 người đã có quyết định được hưởng trợ cấp theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp và quản lý người thất nghiệp vẫn còn nhiều lúng túng và bất cập.
Người lao động được Trung tâm giới thiệu việc làm phổ biến về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp trước khi nhận việc làm. |
Trợ cấp thất nghiệp - chỗ dựa của người lao động
Theo báo cáo của Phòng Quản lý Lao động- Việc làm, Sở LĐTB&XH, trong 3 tháng đầu năm, số người đăng ký thất nghiệp trong tỉnh là 217 người, nhưng chỉ có 149 người nộp hồ sơ và 94 người có quyết định được hưởng BHTN hằng tháng. Đa số người thất nghiệp của tỉnh là công nhân các nông trường cao su dôi dư sau khi thực hiện chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. Sở dĩ hiện nay số người được hưởng BHTN chỉ chiếm chưa được 50% số người đăng ký thất nghiệp là do một số người đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, một số người chưa nắm chắc điều kiện hưởng chế độ, nhiều trường hợp do chốt sổ BHXH chậm, do doanh nghiệp chưa đóng đủ BHXH hoặc chậm trễ trong việc làm thủ tục cho người lao động.
BHTN bước đầu đã thực sự là cứu cánh thiết thực cho người lao động khi không may bị mất việc làm. Anh Trần Văn Phú (huyện Ea H’leo) vui vẻ tâm sự khi được nhận khoản trợ cấp tháng đầu tiên: “Mặc dù không may bị thất nghiệp, nhưng tôi không quá khó khăn về sinh hoạt phí và hy vọng mình sẽ có việc làm mới vì đã được hưởng khoản trợ cấp bằng 60% lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp và còn được Trung tâm giới thiệu việc làm đang rất nỗ lực giới thiệu việc làm phù hợp cho tôi”. Chị Nguyễn Thị Huệ (huyện Ea Kar) thì có phần vui mừng vì: “Không những chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tôi còn được học nghề miễn phí để có cơ hội tìm việc làm tốt hơn bởi trước đây tôi chưa được đào tạo nghề mà chỉ làm công nhân lao động phổ thông không cần tay nghề, kỹ thuật”.
Theo báo cáo của Phòng Thu, BHXH tỉnh thì trong năm 2009 toàn tỉnh có 506 đơn vị với 36.728 lao động tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp với số thu trên 13,5 tỷ đồng. Điều đáng mừng là 100% doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đóng BHTN do BHXH tỉnh quản lý đã tham gia BHTN. Như vậy có nghĩa là đa số người lao động ở các doanh nghiệp trong tỉnh đã được bảo đảm quyền lợi nếu không may bị thất nghiệp.
Công nhân chế biến gỗ ở Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành. |
Một số bất cập và lúng túng trong quá trình thực hiện chế độ BHTN
BHTN là loại hình bảo hiểm mới nên quá trình thực hiện vẫn còn nhiều sự lúng túng cả về phía các cơ quan chức năng lẫn người lao động.
Theo quy định, người lao động khi bị mất việc làm, trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang làm việc để đăng ký. Sau khi đăng ký thất nghiệp theo mẫu quy định, người lao động bị thất nghiệp phải nộp đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Nhưng không phải người lao động nào cũng biết các quy định này, vì vậy nhiều lao động thiệt thòi cho quyền lợi của mình. Chị Mai Thị Hạnh ở Krông Bông ngậm ngùi cho biết: khi bị thất nghiệp ở một công ty TNHH tại TP. Hồ Chí Minh, không được Công ty thông báo rõ ràng nên khi biết thì đã quá thời hạn đăng ký. Cũng tương tự như vậy, anh Hoàng Nghệ Thanh (huyện Ea Kar) sau khi đăng ký để quá 15 ngày mới nộp hồ sơ nên cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hoặc như trường hợp chị Nguyễn Thị Thiện, sau khi nghỉ việc, chị đã hoàn tất hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và dự định sẽ về quê (Phú Yên) làm việc cho gần gia đình, nhưng lại lo lắng sẽ bị ngưng trợ cấp thất nghiệp. Vì theo quy định, những người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng về quê làm việc thì không được ủy quyền cho người khác khai báo việc làm hằng tháng. Nếu cứ về quê mà hằng tháng lại phải đến Trung tâm Giới thiệu việc làm ở Buôn Ma Thuột khai báo tình trạng việc làm thì chi phí đi lại có khi nhiều hơn số trợ cấp thất nghiệp được hưởng. Hay như anh Nguyễn Văn Nam (TP. Buôn Ma Thuột), sau khi thất nghiệp đã chạy xe thồ kiếm sống. Nhưng theo quy định, người hưởng trợ cấp tìm được việc làm mới muốn hưởng trợ cấp một lần phải trình hợp đồng lao động mới. Những người làm các công việc như bán hàng rong, chạy xe thồ,…không thể có hợp đồng lao động nên không được hưởng trợ cấp một lần những tháng còn lại. Thực tế, hiện nay người làm những công việc không có hợp đồng lao động vừa che giấu tình trạng việc làm, vừa thấp thỏm lo bị ngưng hưởng trợ cấp thất nghiệp vì từ chối việc làm do cơ quan chức năng giới thiệu (theo quy định, nếu người thất nghiệp từ chối việc làm hai lần mà không có lý do chính đáng thì bị ngưng hưởng trợ cấp).
Cũng theo quy định, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp nếu thời gian mất việc là từ 15 ngày trở lên; tức là sau khi có quyết định thôi việc, trong thời gian 15 ngày, người lao động chưa tìm được việc làm mới thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Vì vậy, người lao động sau khi đã đăng ký mất việc, nhưng trong 15 ngày tiếp theo đã tìm được việc làm mới và có hợp đồng thử việc thì xem như không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy sẽ phát sinh nhiều lao động xin doanh nghiệp mới chậm ký hợp đồng lao động để được hưởng trợ cấp; cũng có nhiều công ty chỉ ký hợp đồng sau khi thử việc 1 tháng, nên có tình trạng người lao động đã có việc làm mới vẫn được nhận trợ cấp. Đây là điều bất cập, "Giấy tờ vẫn là hợp lệ nên không thể ngưng chi trả trợ cấp cho người lao động được", ng Phan Trọng Tùng, Trưởng phòng Quản lý Lao động - Việc làm cho biết. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng sự kém hiểu biết của người lao động mà không phổ biến về khoản trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi họ chấm dứt hợp đồng, khi biết đã quá hạn đăng ký. Để giải quyết tình trạng này, người lao động phải giải trình và có xác nhận của doanh nghiệp mà không phải doanh nghiệp nào cũng chấp thuận giải quyết. Ngoài ra, nhiều người lao động khi làm thủ tục đăng ký mất việc mới rõ là doanh nghiệp không đóng bất cứ khoản bảo hiểm nào cho họ. Do đó, họ hoàn toàn mất quyền lợi. Mặt khác, một số doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, khiến cho cơ quan bảo hiểm không chốt sổ được, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nhận trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Thiết nghĩ, để việc thực hiện chế độ BHTN được tốt hơn, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cần có sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của cả cơ quan chức năng, đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đối với người sử dụng lao động, phải đóng đủ các loại bảo hiểm theo quy định cho người lao động. Khi người lao động mất việc cần sớm làm thủ tục chốt sổ BHXH, tạo điều kiện làm đầy đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết và hướng dẫn người lao động đến cơ quan chức năng đăng ký và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp. Về phía người lao động cũng cần chủ động tìm hiểu các chính sách về BHTN, trong đó các điều kiện đóng, hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, dạy nghề, học nghề, giới thiệu việc làm… quan trọng nhất là sớm được trở lại thị trường lao động…Các cơ quan thực hiện chính sách như Sở LĐTB&XH, Trung tâm Giới thiệu việc làm phải tăng cường phổ biến , tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động về chính sách BHTN. Đồng thời có những biện pháp ngăn ngừa, phát hiện các trường hợp có thể lợi dụng, lạm dụng hưởng sai chế độ như đã có việc làm rồi mà không khai báo để tiếp tục hưởng trợ cấp hoặc cố tình không tích cực tìm kiếm việc làm mới…
Ý kiến bạn đọc