Multimedia Đọc Báo in

Học bổng “Tiếp sức đến trường”: Chắp cánh cho ước mơ bay xa!

07:57, 10/09/2010

Ý chí và nghị lực của 150 tân sinh viên 5 tỉnh Tây Nguyên (Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) trong Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” (TSĐT) năm 2010 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT Dak Lak tổ chức tối 7-9 làm mọi người có mặt tại buổi lễ phải khâm phục. Đó không chỉ là những tấm gương hiếu thảo với cha mẹ, thầy cô mà còn thể hiện một nghị lực phi thường, vượt qua nghịch cảnh để chinh phục chân trời tri thức.

Hội trường trong buổi Lễ trao học bổng dường như đã lặng đi khi nghe kể những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” về  hoàn cảnh khốn khó của những tân sinh viên nhận học bổng lần này. Đó là hình ảnh em Hồ Thị Thủy (Lâm Đồng) đang ngày ngày chăm sóc người cha già bại liệt đã 20 năm nay, điều day dứt lớn nhất của Thủy khi đỗ đại học là ai sẽ thay em chăm sóc cha, lấy tiền đâu để đi học… khi mẹ và anh trai hằng ngày phải đi làm thuê mà vẫn không đủ tiền thuốc thang chữa bệnh cho cha. Hay một Lê Tấn Phát (Lâm Đồng) đầy nghị lực, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang phải gồng mình làm đủ mọi công việc từ phụ hồ đến bưng bê để có tiền trang trải cuộc sống. Và không khí thật sự trùng xuống khi nghe kể về hoàn cảnh đặc biệt của em Lê Văn Cường (Dak Lak), cách đây 5 năm, cùng lúc em phải chít 2 băng tang trên đầu khi cha mẹ lần lượt ra đi vì cơn bạo bệnh. Sống một mình, em đã không nề hà bất cứ công việc gì từ gặt lúa, làm ruộng thuê… để có gạo ăn và tiền đi học. Gương mặt buồn, ánh mắt luôn nhìn xuống, em chia sẻ: “Nhiều lúc không kiếm nổi 2.000 đồng để mua bánh mì, nhưng chưa lúc nào em thôi ước mơ quyết tâm thi đỗ đại học”, vì không có tiền nên nhiều lần thi đỗ cao đẳng, đại học nhưng Cường đành gác lại giấc mơ dang dở của mình… Có bạn may mắn hơn được đi học, còn cha hoặc mẹ nhưng gia cảnh lại chồng chất khó khăn vì bệnh tật, thiên tai nên luôn đứng trước nguy cơ bỏ học bất cứ lúc nào… còn nhiều, nhiều lắm những hoàn cảnh đáng thương của các tân sinh viên. Khóe mắt ngân ngấn lệ khi nghe kể về hoàn cảnh của các bạn, em Đỗ Thị Phương Thùy (Gia Lai) bùi ngùi nói, so với những bạn nhận học bổng lần này thì hoàn cảnh gia đình em vẫn còn may mắn hơn nhiều vì còn có mẹ là chỗ dựa tinh thần và động lực để thôi thúc em học tốt hơn.

Các tân sinh viên nhận học bổng và quà.
Các tân sinh viên nhận học bổng và quà.

Mỗi tấm gương có mặt nơi đây là một hoàn cảnh éo le khác nhau: bạn thì mất cha, bạn không còn mẹ, bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải làm nhiều công việc như phụ hồ, dạy thêm, bán vé số… để kiếm sống, phụ giúp gia đình, kiếm tiền đi học. Nhưng trong nghịch cảnh đó, các bạn vẫn nuôi dưỡng những khát vọng, ước mơ cháy bỏng thoát nghèo bằng con đường học vấn, duy trì được ý chí, nghị lực bền bỉ vươn lên học giỏi và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước (thậm chí nhiều bạn thi đỗ một lúc 2 trường với số điểm đáng nể phục).

Từ câu chuyện thực tế cách đây 7 năm (2003), nhiều bạn thi đỗ đại học hai, ba lần nhưng không thể đến trường vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, học bổng TSĐT đã ra đời với 27 suất học bổng đầu tiên được trao cho những tân sinh viên tỉnh Quảng Trị. Và cứ thế, qua 7 năm, câu chuyện về những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khát khao đến trường lại lay động những trái tim nhân ái sau mỗi mùa tuyển sinh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tăng Hữu Phong, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ nói: “Tất cả các bạn ở đây đều có những khốn khó riêng, nhưng những gánh nặng đó đã không ngăn được nghị lực học tập và thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH, đó là điều vô cùng quý giá. Thế nhưng, khó khăn đó lại khiến nhiều bạn không thể chạm được vào mơ ước của mình, hiểu được điều đó chúng tôi đã sẻ chia để tiếp sức các bạn đến giảng đường”. Mỗi suất học bổng trị giá 5.000.000 đồng cùng phần quà sẽ là những viên gạch đầu tiên tạo sức bật cho  những tân sinh viên vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt năm thứ nhất. Cầm học bổng trên tay, Lê Văn Cường hạnh phúc nói: “Nếu không có học bổng này em không bao giờ được biết đến ngưỡng cửa của giảng đường đại học, em sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng với niềm tin mọi người dành cho mình”.

Chia sẻ cảm xúc trong buổi lễ đầy ý nghĩa này, đại diện thành viên giải Golf gây quỹ TSĐT, Luật sư Vũ Duy Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vinacam nói: “Là những thế hệ đi trước, đi học nhờ vào trợ cấp nhà nước và trong đó cũng có một phần đóng góp của ông bà, cha mẹ các em. Nên giờ đây chúng tôi nghĩ, mình cần có trách nhiệm tiếp sức nhiều hơn nữa cho những em khó khăn được tiếp tục học tập, và mong rằng hoạt động này sẽ được nhân rộng để tất cả tân sinh viên nghèo có thể vượt qua khó khăn năm thứ nhất, vững bước những năm học tiếp theo”. Cánh cổng trường đại học đang dang rộng đón các bạn trong một mùa tựu trường mới với bao niềm hy vọng, mỗi suất học bổng là sự gửi gắm của thế hệ đi trước dành cho thế hệ đi sau, tiếp thêm nghị lực, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa! 

Học bổng “Tiếp sức đến trường” nằm trong Chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ. Chương trình được thành lập từ năm 1988, với rất nhiều hoạt động như: xây dựng trường, lớp, phòng thí nghiệm, hỗ trợ học sinh (HS), sinh viên (SV), giáo viên… đến nay, chương trình đã hỗ trợ 30.150 HSSV, xây mới và sửa chữa trên 250 phòng học, hỗ trợ 5.000 lượt giáo viên vay vốn không lãi suất. Riêng học bổng “Tiếp sức đến trường” ra đời năm 2003, đến nay đã trao gần 4.000 suất cho các tân sinh viên trên toàn quốc với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong năm 2010, Chương trình “Vì ngày mai phát triển” dự kiến sẽ trao khoảng 1.200 suất học bổng, với tổng trị giá khoảng 6 tỷ đồng, tặng các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh khu vực phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ.

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.