Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui nước sạch

17:23, 10/09/2010

Có dịp đến buôn Lê A, Lê B, Blêch và các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) vào thời điểm này sẽ cảm nhận được không khí vui mừng, phấn khởi của người dân nơi đây, bởi không còn cảnh phải thức khuya dậy sớm để đi xa lấy từng can nước từ các con suối mang về dùng như trước đây nữa...

Gia đình bà H’Híu Ayun ở buôn Blêch (thị trấn Ea Drăng) có 7 người. Trước đây, phần vì tập tục, phần vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên gia đình bà cũng như các hộ khác trong buôn đều ra suối lấy nước về dùng. Vài năm trở lại đây, nguồn nước suối bị ô nhiễm, những hộ có điều kiện đã khoan giếng lấy nước sinh hoạt, riêng gia đình bà vẫn phải ngày ngày ra suối gùi nước. Mặc dù công trình cấp nước tập trung đã có từ đầu năm 2010 nhưng mãi đến tháng 7-2010 một niềm vui bất ngờ mới đến với gia đình bà khi được UBND huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí đấu nối (hơn 200.000 đồng/hộ) để đưa nguồn nước sạch về tận nhà. Chỉ vào vòi nước đang chảy, bà H’Híu thổ lộ: “Mình năm nay đã 66 tuổi rồi, không đi làm rẫy được nữa chỉ ở nhà nấu cơm thôi nên ngày nào cũng phải ra suối gùi nước. Cả tháng nay cái bụng mình vui lắm vì từ nay không còn bị đau lưng do đi xa lấy nước nữa”. Tương tự, gia đình chị H’Nhiên Ayun cũng được hưởng niềm vui có nước sạch. Nhìn dòng nước tuôn trắng xóa, chị H’Nhiên vui mừng ra mặt: “Trước đây gia đình mình có một cái giếng đào nhưng mùa khô thường bị cạn nên phải ra suối lấy nước về dùng. Từ nay trở đi, nước sạch đã về tận nhà rồi, mình vừa đỡ vất vả vừa yên tâm vì không còn lo mấy đứa con bị bệnh tiêu chảy, ghẻ lở nữa”. Theo anh Siu Khin, Trưởng buôn Blêch, từ khi được UBND huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí đấu nối, bà con phấn khởi lắm, số hộ đăng ký sử dụng nước sạch ngày càng tăng lên. Toàn buôn có 172 hộ thì hiện đã có đến 162 hộ đăng ký sử dụng. Số hộ còn lại dù có giếng khoan nhưng cũng đã làm đơn để được đấu nối nước  sạch.

Từ tháng 7-2010, gia đình ông Y Loe Niê (buôn Blêch, thị trấn Ea Drăng) đã được hưởng niềm vui nước sạch.
Từ tháng 7-2010, gia đình ông Y Loe Niê (buôn Blêch, thị trấn Ea Drăng) đã được hưởng niềm vui nước sạch.

Công trình cấp nước tập trung thị trấn Ea Drăng là một trong hai công trình cấp nước tại địa bàn tỉnh Dak Lak nằm trong Dự án Phát triển nước ngầm cung cấp nước sạch nông thôn ở một số tỉnh Tây Nguyên do tổ chức JICA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại với tổng mức vốn đầu tư hơn 175 tỷ đồng. Từ khi công trình vận hành đến nay, đã có 1.500 hộ thuộc 3 buôn và 13 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Ea Drăng đăng ký sử dụng. Riêng các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ chỉ cần bỏ công sức đào đường lắp đặt ống dẫn nước vào nhà và trả tiền nước theo quy định 3.000 đồng/m3, còn toàn bộ các loại vật tư như lắp đặt đường ống, mắc đồng hồ nước đều được UBND huyện hỗ trợ. Ông Nguyễn Bá Thắng, Trạm trưởng Trạm cấp nước thị trấn Ea Drăng cho biết: Đây là công trình cấp nước lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thị trấn với 3 bể lọc, bể chứa dung tích 400m3, van xả, bơm trợ lực, bơm tăng áp và 6 tuyến đường ống chính. Để vận hành hiệu quả công trình, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thành lập ban quản lý gồm 5 thành viên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cấp nước, bảo quản thiết bị, đấu nối, thu tiền nước và sửa chữa những hư hỏng nhẹ”. Cũng theo ông Thắng thì việc cấp nước cho người dân trên địa bàn hiện nay đang gặp phải một số khó khăn.

Ngoài nhận thức của người dân về việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh còn hạn chế thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đường ống chôn cạn, các phương tiện lại đang thi công làm đường nên nhiều tuyến ống đã bị vỡ, hở roong. Thêm vào đó, khi tổ chức JICA thiết kế công trình (năm 2000) chỉ có một đường ống dẫn nước chính chạy dọc một số tuyến đường giao thông còn đang là đường đất. Đến nay, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, thì nhiều tuyến đường thôn, buôn đã được thảm nhựa. Vì vậy, những hộ dân ở phía có đường ống dẫn nước chính chạy qua thì thuận tiện trong việc đấu nối. Còn lại những hộ chưa có hệ thống đường ống dẫn nước thì có muốn đăng ký sử dụng cũng khó.

Nước sạch về thôn, buôn, bà con đã nâng cao được ý thức trong quá trình sử dụng như dùng để nấu ăn uống, tắm giặt... và vệ sinh môi trường chung quanh khu vực nhà ở sạch sẽ, thoáng mát. Bà con còn dùng nguồn nước này để vệ sinh chuồng trại và tắm mát cho đàn gia súc trong những ngày nắng nóng, không để cho trâu, bò phải đi xa tìm nước uống như trước đây nữa. Tuy nhiên, để công trình phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, các cấp, ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế trên.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc