Multimedia Đọc Báo in

Tân sinh viên trước ngày tựu trường

07:59, 10/09/2010

Những ngày qua, hàng nghìn sinh viên (SV) vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên đã khăn gói đến TP. Buôn Ma Thuột tìm thuê nhà trọ, mua sắm vật dụng sinh hoạt chuẩn bị cho hành trình suốt những năm học sắp tới. Nhiều bạn không khỏi ngỡ ngàng bởi vật giá tiêu dùng, tiền gạo, chỗ trọ khá tốn kém.

Niềm vui trước ngày tựu trường
Đã qua rồi những ngày tháng lo âu, căng thẳng, và niềm vui chợt vỡ oà khi biết kết quả thi đại học vừa qua đủ điểm đậu, giờ đây, cầm tấm giấy báo trúng tuyển trên tay, cùng với ba lô, túi xách, nhiều tân sinh viên từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã lên đường đến Buôn Ma Thuột trước ngày nhập học. Có những bạn từ các huyện Ea Kar, Ea H’leo, M’Drak, và xa hơn nữa là Bình Định, Lâm Đồng, Gia Lai… vượt qua một chặng đường dài đến sớm chuẩn bị tâm lý cho ngày tựu trường. Đứng giữa những nụ cười, gương mặt còn pha nét bỡ ngỡ của nhiều bạn tân SV, có lẽ nhiều người cũng cảm thấy vui lây. Bạn Lê Thị Hồng Ánh, đến từ Gia Lai cho biết, đây là lần đầu tiên em đến Trường Đại học Tây Nguyên, bởi lần trước Ánh dự thi tại địa điểm khác, chưa có dịp ngắm trường đã phải về. Em thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh trường to đẹp, khuôn viên rộng rãi, xanh mát. Còn bạn Phạm Tuấn, ở Phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột lại có một cảm nhận khác, trường gần nhà, không phải thuê trọ như các bạn từ xa đến, sẽ thuận lợi hơn trong việc đi lại và học hành sắp tới, nên Tuấn rất mừng. Xen lẫn với tâm trạng phấn khởi vì đã đạt được ước mơ vào đại học, là những bỡ ngỡ, lo lắng trước môi trường sống SV sau này. Bạn Trần Minh Hoàng, đến từ huyện Ea H’leo bộc bạch: “Em nghe các anh chị SV nói có nhiều môn học khó lắm, không biết mình có vượt qua!”. Đi bên cạnh các tân SV là hình ảnh những phụ huynh “tay xách nách mang”, nhễ nhại mồ hôi tìm phòng trọ cho con, dù vậy, trên khuôn mặt của những bậc cha, mẹ ấy vẫn ánh lên miềm vui và tự hào như xua tan nét khắc khổ in hằn trên đôi vai họ. “Con đi đâu bố cũng phải đi cùng, vì từ nông thôn ra, cháu nó còn dại lắm. Có đến đây mới biết tốn kém thế nào, hai cha con mới chỉ 2 ngày mà tiền ăn, trọ cũng đã mất 500.000 đồng rồi, chưa kể phải mua nhiều thứ khác như chăn, gối, bếp, xoong nồi…”, bác Hạnh, đến từ huyện Ea Kar tâm sự.

Tân sinh viên "khăn gói" cùng phụ huynh đi tìm nhà trọ.
Tân sinh viên "khăn gói" cùng phụ huynh đi tìm nhà trọ.

Gian nan tìm nhà trọ
Những ngày này, trên khắp các nẻo đường khu vực gần Trường đại học Tây Nguyên đang nóng lên chuyện tân sinh viên đi tìm phòng trọ. Mặc dù đã lo xa chuyện “cháy phòng” nhưng các bạn vẫn không tránh khỏi khó khăn khi đối mặt với phòng trọ vừa thiếu vừa đắt. Dạo quanh các con đường có nhiều SV trọ học như Y Wang, Nguyễn An Ninh, A Dừa đều trong tình trạng chung là hết phòng, hoặc chỉ còn những phòng xập xệ. Bạn Trần Văn Long, tân SV ngành Tin học đến từ huyện Krông Ana buồn bã nói: “Em đã đi suốt cả ngày rồi nhưng chưa tìm được phòng ưng ý để thuê”. Dọc đường Phùng Hưng, bắt gặp vẻ mặt căng thẳng của tân SV ngành Sư phạm văn Đinh Thùy Mai và bố, quê Lâm Đồng đang lang thang tìm chỗ ở. Mai cho biết, sợ đến cận ngày học thường không còn phòng trọ, nên hai bố con đã bắt xe đến Buôn Ma Thuột trước cả tuần để tìm. Nhưng “đỏ mắt” mà chẳng có phòng, đành phải ra các khu vực xa trường tìm thuê. Lợi dụng tình trạng phòng trọ SV - cung không đủ cầu - nhiều chủ nhà trọ đã kéo giá phòng lên vô tội vạ. Theo những sinh viên khóa trước, cứ đầu năm học là các chủ trọ đều tăng tiền phòng lên 50 đến 70.000 đồng/phòng, thậm chí một số nhà trọ kha khá còn tăng hơn 100.000 đồng/phòng. Chẳng hạn như ở khu vực đường Săm Brăm, một phòng chừng 10 m2 đủ cho 2 người ở, giá đã 600.000 đồng, chưa tính điện nước, hay tại đường Y Wang nhiều chỗ tăng giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/phòng. Biết là đắt nhưng nhiều bạn cũng đành “bấm bụng” thuê, vì sợ không có phòng trọ lúc nhập học. Tân SV Lê Hoài Nam phàn nàn, gia đình dự định cho bạn 1 triệu đồng/tháng, nhưng, thuê trọ mất 550.000/tháng, cộng tiền điện nước là 650.000 đồng, số tiền còn lại Nam phải chắt bóp lắm mới đủ sống. Không những thế, nhiều bạn không chịu nổi giá phòng cao, nên thường chọn giải pháp tìm thêm bạn để trọ cùng, hay xin ở ghép với các anh chị SV khóa trước. Khi hỏi về tình trạng phòng trọ SV hiện nay, tại khu vực đường Nguyễn An Ninh, chị Bùi Thị Lan, một chủ nhà trọ cho hay, năm nào cũng thế, cứ khoảng cuối tháng 8 là lối nhà chị hết phòng, dù giá tăng hơn năm cũ nhưng vẫn không còn phòng cho thuê.

Chuyện chủ trọ “làm giá” với SV diễn ra khá phổ biến tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, khiến các bậc phụ huynh và SV không khỏi âu lo, cùng với bao nhiêu thứ “cơm, áo, gạo, tiền” chi tiêu tốn kém khác, kéo dài trong nhiều năm… Dù khó khăn, thiếu thốn đến mấy cũng phải ráng lo cho con ăn học thành tài, đó chính là tâm trạng chung của các bậc cha mẹ.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.