“Điểm tựa” của phụ nữ Liên Sơn
Năm 2000, chồng chị H’Bem Ju (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) chết do bị bệnh hiểm nghèo, để lại cho chị gánh nặng nuôi bố mẹ già và 3 con nhỏ. Lúc đó, cả 6 miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào 8 sào lúa nước, lại không có tiền đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.
Trước tình cảnh đó, chi hội phụ nữ buôn đã giúp đỡ chị vay tổng cộng 4 đợt gần 30 triệu đồng đầu tư trồng lúa, nuôi bò, heo. Số tiền tích lũy được, chị mở một quán tạp hóa nhỏ ngay tại nhà để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Nhờ vậy, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định, mua sắm được xe máy cày phục vụ sản xuất, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của buôn. Đồng thời, chị còn chăm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn, hiện 2 cháu lớn đang học đại học, con út cũng đã lên cấp III. Chị H’Bem cho biết, tham gia vào tổ chức Hội, chị đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích trong việc phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái. Sự nhiệt tình, quan tâm giúp đỡ của các hội viên đã giúp chị có thêm điểm tựa vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
Để tiết kiệm chi phí, chị H'Bem Ju (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lak) trồng thêm rau lang để chăn nuôi heo. |
Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Dân cũng là hộ nghèo ở thôn Hợp Thành (thị trấn Liên Sơn), một mình phải nuôi 4 con nhỏ vì chồng mất sớm. Được sự quan tâm giúp đỡ của Hội, chị đã vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi heo, gà quy mô lớn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị còn làm thêm sữa đậu nành bán. Nhờ biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm chị đã tích lũy đủ tiền xây dựng một dãy nhà trọ nên cuộc sống của mấy mẹ con cũng dần ổn định. Thương mẹ vất vả, các con chị đều chăm lo học hành và 2 đứa đã có nghề nghiệp ổn định. Trường hợp chị H’Kưm Êung (buôn Lê) là phụ nữ neo đơn, tài sản không có gì nên cuộc sống rất khó khăn. Được Hội giúp đỡ vay 15 triệu đồng, chị đã đầu tư chăn nuôi bò, sau nhiều năm chị cũng kiếm được ít vốn để sửa lại căn nhà kiên cố hơn.
Chị Đào Thị Thủy, Chủ tịch HPN thị trấn Liên Sơn cho biết, để giúp hội viên phát triển kinh tế, bên cạnh việc đứng ra tín chấp vay vốn, Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để chị em tự nguyện đăng ký tham gia các phong trào. Đồng thời, tùy điều kiện thực tế của từng thôn, buôn, tổ chức Hội sẽ hướng cho chị em chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên tổ chức kiểm tra mục đích sử dụng đồng vốn của chị em, nếu mô hình nào không hiệu quả, Hội sẽ tìm cách giúp đỡ chuyển sang mô hình khác. Ngoài ra, Hội còn vận động chị em tích cực tham gia các phong trào, hoạt động như “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện kết nghĩa… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Ý kiến bạn đọc