Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến hàng mưu sinh của dân “2 sọt”

05:31, 08/11/2010

Với người dân thành phố, miền xuôi hay đồng bằng, muốn có thực phẩm tươi sống để dùng hằng ngày là chuyện không khó. Nhưng với người dân vùng biên và các đồn biên phòng, mong muốn ấy không hề dễ dàng. Ngày ngày, họ trông chờ vào hai sọt hàng của những người thương lái đường trường - thường được gọi là dân “2 sọt” .

Chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng trên một tạ các loại rau quả, thịt cá, mắm muối, gạo, dầu...và không bao giờ quên mang theo bơm, keo, đồ vá săm…, đó là hành trang quen thuộc của những người làm nghề “2 sọt”.

Chị Hà Thị Nhãn ở thôn Ea Ma, xã Krông Na (Buôn Đôn) gắn bó với 2 sọt hàng gần 15 năm nay. Đã qua tuổi 50 nhưng chị vẫn làm nghề vất vả này. Sau một ngày chạy xe đường trường với hai sọt hàng nặng trĩu, về tới nhà chị lại tất bật với công việc nhà, chăm sóc chồng con. Chị có ba người con, trong đó hai người đã đi lấy chồng, còn con trai út bị bại não từ nhỏ chỉ nằm một chỗ. Nhẹ nhàng đút cho con từng thìa cơm, chị tâm sự: Cách đây mấy năm chồng chị bị đau cột sống phải đi bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật, đầu năm nay lại ngã xe, bị rạn xương, không làm gì được. Thế là kinh tế gia đình đều trông vào hai sọt hàng của chị. Gánh nặng càng nặng hơn, khi sức khỏe của chồng chị ngày một yếu dần. Phần thì thuốc thang cho con, phần chăm lo cho chồng, nhiều lúc chị thấy mệt mỏi, chán nản, nhưng do gắn bó với nghề đã lâu, lại thân thiết với những người dân, người lính vùng biên rồi nên chị tiếp tục cố gắng.

Hằng ngày, cứ vào khoảng 4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Lân, thôn 4, xã Ea Wer (Buôn Đôn) đã chuẩn bị đầy đủ hàng để xuất phát lên đường. Đối với những người lái buôn đường trường như chị Lân, giấc ngủ ít khi được trọn vẹn, luôn thấp thỏm lo âu vì sợ thức dậy muộn giờ. Nguyên tắc làm việc của chị là phải bảo đảm giờ giấc giao hàng nên ít khi chị đem hàng đến muộn, trừ những hôm thời tiết bất thường, trời mưa đường lầy lội. Chị kể: “Làm nghề này cũng vất vả, nguy hiểm, hàng hóa chở trên xe thì nhiều, có lúc bị té phải loay hoay mãi mới đứng lên được. Mỗi khi đi qua đoạn đường không có dân cư lại phập phồng lo âu gặp kẻ xấu. Tuy nhiên, để đề phòng bất trắc, cánh “2 sọt” chúng tôi luôn kèm theo những đồ phòng thân. Nơi chị Lân thường xuyên giao hàng là đồn Biên phòng 473 (Buôn Đôn). Với những anh lính ở đồn, chị trở nên quen thuộc, thân thiết như người chị. Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui làm quà cho người lính vùng biên. Chị thường kể cho họ nghe về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân ở quê, những người mà chị quen biết. 

Chị Lân đang trao đổi với lính biên phòng về các loại thực phẩm cần trong ngày mai.
Chị Lân đang trao đổi với lính biên phòng về các loại thực phẩm cần trong ngày mai.

Chị Nguyễn Thị Bé (thôn Ea Tung, xã Ea Na (Krông Ana) cho hay, lúc mới vào nghề, mọi người trong gia đình phản đối kịch liệt, ai cũng khuyên bảo chị phải tìm nghề nào ổn định, hoặc mở một quầy tạp hóa, chứ làm nghề “2 sọt” thân gái dặm trường vất vả lắm. Dẫu vậy, chị vẫn quyết tâm theo nghề, hơn 10 năm nay, chạy xe trên hàng vạn cây số, nhưng chị vẫn thấy đó là niềm vui. Đặc biệt, mỗi khi xe chị đến địa điểm giao hàng, người dân vùng biên ai cũng phấn khởi vì sắp có thực phẩm tươi, chứ hằng ngày dùng thực phẩm khô mãi họ cũng chán. Để có được các loại rau, củ, quả tươi ngon nhất, chị Bé phải đi đến từng hộ dân ở địa phương để lấy hàng. Chị cho biết, họ vừa cắt xong là chị lấy ngay nên hàng rất tươi, không phải qua khâu trung gian nên giá cả cũng mềm. Nhờ thế, trừ chi phí xăng xe đường dài lên đến vùng biên Buôn Đôn, Ea Súp, chị vẫn kiếm được chút đỉnh tiền lời, đủ trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi con ăn học.

Dẫu sức khỏe không bằng nam giới, nhưng điểm chung ở những người như chị Lân, chị Nhãn, chị Bé và hàng chục phụ nữ làm nghề “2 sọt” đều chịu thương, chịu khó. Họ là những người góp phần tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa những người vùng biên và người dân miền xuôi trong nhiều năm qua.

 

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc