Về đâu khi bị bạo hành?
Việc phụ nữ bị chồng chửi bới, đánh đập, hành hạ vẫn âm thầm chịu đựng diễn ra trong dòng chảy của cuộc sống. Đối diện với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần nhưng nhiều người lại chọn giải pháp im lặng, bởi không chỉ tự ti mặc cảm mà họ còn thiếu hiểu biết về pháp luật.
Từ tháng 10-2009 đến tháng 9-2010, Tòa án các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đã thụ lý 2.039 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó có 303 vụ nguyên nhân do người vợ bị ngược đãi, bạo hành. Tất nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng”, trên thực tế phụ nữ bị bạo hành cao hơn nhiều, song hiếm khi họ trình bày trong đơn xin ly hôn, trừ khi sự bạo lực trở thành hành vi tàn ác, gây hậu quả nặng nề, tổn hại tinh thần và sức khỏe, một cán bộ của Tòa Dân sự tỉnh cho biết. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi tâm lý “ngại vạch áo cho người xem lưng” đã ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ, một nguyên nhân khác, những nạn nhân này không biết nhờ ai tư vấn, giúp đỡ khi bị bạo hành, ngược đãi.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh cho biết, bạo hành gia đình với nạn nhân là phụ nữ, đang diễn ra ngày càng khá phổ biến. Tuy nhiên, số người tìm đến Hội nhờ tư vấn, can thiệp không nhiều (khoảng hơn 10 đơn kêu cứu mỗi năm). Do hạn chế cả quyền hạn lẫn điều kiện, nên công tác phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp hội phụ nữ chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền thông qua các câu lạc bộ hoặc lồng ghép sinh hoạt tổ nhóm để nâng cao kỹ năng sống cho hội viên. Đối với những trường hợp có đơn kêu cứu, Hội đã cử đại diện đến can thiệp, nhờ các ngành chức năng giải quyết. Đơn cử, giữa tháng 3-2010, chị D.T.Đ (thôn 7B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) điện thoại trực tiếp đến số máy của lãnh đạo Hội LHPN tỉnh. Chị tâm sự, hơn 10 năm qua đã âm thầm chịu đựng những trận đòn roi vô tội vạ của chồng. Nhiều lần chị định về nhà bố mẹ đẻ lánh tạm nhưng sợ xấu hổ. Hàng xóm, cán bộ thôn thấy bị đánh đập nhưng chẳng ai muốn can thiệp vào vì cho đó là chuyện gia đình. Quá uất ức trước sự tàn bạo của chồng, chị đã làm đơn xin ly hôn. Thế nhưng người chồng vũ phu vẫn tiếp tục hành hạ và tranh giành phần tài sản sau khi Tòa án đã phân chia cho chị và các con. Quá tuyệt vọng, chị “đành liều” điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo Hội qua số máy của một chị hàng xóm vừa cho. Nhận thấy tính chất của vụ việc nghiêm trọng, Hội LHPN tỉnh đã cử cán bộ về địa phương xác minh, đồng thời can thiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị Đ. trước cơ quan thi hành pháp luật.
![]() |
Nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Trong ảnh: Phần thi tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình của đơn vị xã Quảng Hiệp (Cư M'gar). |
Chị P.T.T.L, sinh năm 1975 (xã Durk Man, huyện Krông Ana) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lập gia đình cách đây 15 năm và cũng ngần ấy thời gian chị L phải sống trong cảnh “địa ngục”, không lối thoát. Chị L kể trong nước mắt: Hàng ngày phải chịu đựng những lời chửi bới tục tĩu và những trận đòn chết đi sống lại từ người chồng vũ phu. Cứ sau mỗi lần “chén anh chén tôi” bên hàng xóm, hay tức giận vu vơ, anh lại trút hết bực dọc lên đầu vợ... Có lần, anh ta lấy ống điếu thuốc lào đang hút dở phang ngay vào đầu vợ, khiến chị phải vào bệnh viện với 4 mũi khâu đau đớn. Sau nhiều lần bị bạo hành như thế, chị P.T.T.L cảm thấy sợ chồng, sợ tổ ấm gia đình của chính mình.
Trên con đường xây dựng hạnh phúc, các gia đình khó tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Song làm thế nào để những va vấp ấy không biến thành hành động bạo hành, ngược đãi dẫn đến gia đình tan vỡ là điều quan trọng. Do đó, việc xây dựng “nhà tạm lánh” dành cho chị em phụ nữ là rất cần thiết, bà Mai Hoan Niê K’Đăm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ. Đó không chỉ là nơi để chị em trú ẩn tạm thời, bình tâm suy xét vấn đề của gia đình mình mà còn được tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp luật. Về phía người bạo hành cũng phải bị xử lý hành chính nghiêm khắc, có cam kết cụ thể nếu tái phạm sẽ chịu hình phạt thích đáng... Người bạo hành cần phải cam kết với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và gia đình không tái phạm. Mặt khác, cũng cần có số điện thoại đường dây nóng để những người bị bạo hành kêu cứu mỗi khi rơi vào hoàn cảnh trắc trở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là kế hoạch được Hội đưa ra xem xét, bàn bạc để thực hiện trong thời gian tới, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình. Để kế hoạch này thành hiện thực, Hội gặp rất nhiều trở ngại về tài chính, con người, đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Theo bà Mai Hoan Niê Kđăm, điều quan trọng là chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần lên tiếng giúp những nạn nhân bị bạo hành để họ không phải âm thầm chịu đựng. Và đã đến lúc bạo hành không còn là chuyện riêng của gia đình.
Ý kiến bạn đọc