Nơi chia sẻ khó khăn với người khuyết tật
Những năm qua, Hội LHPN các cấp đã đặc biệt coi trọng công tác hỗ trợ những gia đình phụ nữ có người thân bị khuyết tật cũng như những phụ nữ không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Điều đó đã thể hiện được tính nhân văn sâu sắc và tạo điều kiện để những người không may mắn được hòa nhập cộng đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Liên Kết 1 là một trong 54 thành viên của Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Buôn Tría (huyện Lak). Những năm trước, gia đình chị Phương thuộc diện hộ nghèo, vừa đông con, lại có một người bị khuyết tật. Mọi chi tiêu, sinh hoạt và nuôi con học chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và tiền làm thuê cuốc mướn của hai vợ chồng. Nhờ 3 triệu đồng được vay từ Dự án Hỗ trợ vốn cho gia đình có người thân bị khuyết tật của Tổ chức y tế Hà Lan - Việt Nam, anh chị vay mượn thêm anh em để đầu tư mua 3 con bò. Nhờ biết cách chăm sóc nên bò khỏe mạnh và nhanh chóng phát triển đàn. Với suy nghĩ cần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phòng tránh rủi ro nên từ số tiền bán bò, gia đình chị đầu tư chăn nuôi heo và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tuy có một cuộc sống ổn định nhưng chị vẫn luôn trân trọng đồng vốn đã được hỗ trợ, tuy không nhiều nhưng đã giúp gia đình chị vượt qua được cái ngưỡng của thời điểm khó khăn nhất. Chị Nguyễn Thị Phương cho biết, tham gia vào câu lạc bộ, những gia đình có người khuyết tật không chỉ được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế mà còn được tập huấn, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nhờ vậy mà nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Riêng gia đình chị cũng đã làm được căn nhà kiên cố, không còn lo cảnh mưa to gió lớn như khi ở trong căn nhà gỗ trước kia.
Chị Nguyễn Thị Phương chăn thả đàn bò. |
Ngày hôm nay khi gia đình chị Nguyễn Thị Toan và anh Nguyễn Trọng Điệu (thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría) đã có một cơ ngơi khang trang, kinh tế ổn định nhưng họ vẫn không thể quên những lúc cơ cực trước kia và cả sự giúp đỡ của Câu lạc bộ Người khuyết tật xã. Tham gia câu lạc bộ từ năm 2005, anh chị được hỗ trợ vay 3 triệu đồng để chăn nuôi, số tiền tuy không nhiều, nhưng đó chính là “đòn bẩy” giúp anh chị có thêm vốn đầu tư sản xuất. Hơn nữa nhờ sự định hướng của Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, gia đình anh Điệu phát huy được hiệu quả đồng vốn vay. Anh bộc bạch: “Mặc dù vào Dak Lak lập nghiệp đã lâu nhưng do nhà đông con, tôi lại bị khuyết tật từ nhỏ, sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng, kinh tế chỉ trông chờ vào một mình vợ nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Nhờ sự giúp đỡ của câu lạc bộ, gia đình đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và vơi đi sự mặc cảm, tự ti của một người khuyết tật”.
Không chỉ có Câu lạc bộ Người khuyết tật xã buôn Tría, huyện Lak mà từ năm 2003 đến nay, Hội phụ nữ các cấp đã thành lập được 28 nhóm tín dụng tiết kiệm ở 11 Câu lạc bộ Người khuyết tật trong toàn tỉnh. Các câu lạc bộ đó đã hỗ trợ trên 700 triệu đồng cho hàng trăm lượt hộ gia đình người khuyết tật phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc tốt hơn. Ngoài ra, chị em có người thân bị khuyết tật còn được các hội, đoàn thể tín chấp vay các nguồn vốn khác, được chuyển giao khoa học-kỹ thuật, trình diễn và áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, hướng dẫn quản lý vốn, thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Nhờ vậy mà những thành viên của câu lạc bộ đã vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế hiệu quả. Chị Pham Thị Thúy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Buôn Tría (huyện Lak) đánh giá: “Có thể nói, bên cạnh các mô hình, câu lạc bộ khác do Hội phụ nữ các cấp thành lập thì Câu lạc bộ Người khuyết tật thực sự gần gũi, hữu ích đối với những gia đình phụ nữ khó khăn và có người khuyết tật. Bởi, bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, các Câu lạc bộ Người khuyết tật còn là chỗ dựa tinh thần, chia sẻ khó khăn, tạo thêm cơ hội mới giúp gia đình người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc