Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo về tai nạn thương tích trẻ em ở Dak Nuê

11:34, 15/06/2011

Hơn một tháng đã trôi qua, người dân thôn Yên Thành 2, xã Dak Nuê (Lak) vẫn chưa quên cái chết thương tâm của cháu Bùi Thị Phương Cúc, 11 tuổi, con của anh Bùi Ngọc Chi và chị Trần Thị Sinh. Với nét mặt buồn rầu, giọng nói nghẹn ngào, chị Sinh kể lại: “Hằng ngày, vợ chồng đi làm về thì ở nhà cháu Cúc đã nấu sẵn cơm, chỉ mỗi việc vào ăn. Nhưng hôm đó, vào khoảng 18 giờ, đi làm về nhưng không thấy con, linh tính báo có điềm chẳng lành, chúng tôi đã nhờ bà con xung quanh đi tìm cháu. Đên 19 giờ thì phát hiện cháu cùng với bạn hàng xóm đã bị chết đuối dưới ao gần nhà”.

Sự ra đi của cháu Cúc không chỉ là một mất mát lớn đối với gia đình anh Chi, chị Sinh mà còn là hồi chuông cảnh báo cho mỗi gia đình trong việc quản lý, bảo vệ trẻ em ở địa phương bởi từ năm 2005 đến nay, tại xã Dak Nuê đã xảy ra 7 trường hợp tai nạn thương tích, làm chết 9 trẻ em.           

Điều đáng nói là, trong những năm qua, xã Dak Nuê đã chú trọng đến công tác phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Hằng năm, xã đều tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh xã hàng trăm lượt về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp với nhà trường, nhất là những trường học gần đường lớn đi qua tăng cường quản lý đối với học sinh trong thời gian ra chơi giữa buổi học; nhắc nhở bậc phụ huynh đưa, đón con đúng thời gian để tránh tai nạn giao thông; chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể tích cực lồng ghép tuyên truyền về quyền trẻ em đến với người dân; phát động tháng thiếu nhi, tổ chức các trò chơi bổ ích cho trẻ em vào dịp hè về.

Tuy nhiên, do điều kiện về kinh tế-xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, môi trường vui chơi cho trẻ còn thiếu, nguồn ngân sách chi cho công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về quyền trẻ em vẫn chưa được triển khai thường xuyên, nhiều gia đình thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về chăm sóc và bảo vệ trẻ em; công việc nhà nông bận rộn đã chiếm phần lớn quỹ thời gian hằng ngày của họ, việc trẻ em tự chơi với nhau là điều thường thấy ở vùng nông thôn như Dak Nuê nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Vì thế tai nạn thương tích trẻ em vẫn xảy ra trên địa bàn. Nhiều trường hợp tai nạn thương tích trẻ em đều xảy ra gần nhà ở nơi có ao, hồ, suối, đường đi nhưng không có hàng rào ngăn cách; nhiều gia đình do sinh đông con nên không có điều kiện quan tâm, chăm sóc con cái cũng là nguyên nhân khiến tai nạn thương tích dễ xảy ra với trẻ.

Thiết nghĩ, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các địa phương như Dak Nuê cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, các gia đình cần xây dựng môi trường “ngôi nhà an toàn”, quan tâm, quản lý thường xuyên hơn đối với những trẻ hay tụ tập đùa nghịch, tắm suối; dành nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức về chăm sóc trẻ em, không để các em chơi một mình ở những nơi có nhiều nguy cơ rủi ro; tăng cường giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách “Mỗi gia đình sinh 1 hoặc 2 con” để có điều kiện chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái, phòng tránh tai nạn thương tích.

 

Võ Thảo

 


Ý kiến bạn đọc