Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ huyện Ea H’leo có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả

16:47, 23/07/2011

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ea H’leo đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả tại cơ sở, tạo sức lan tỏa, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên.

Song song với việc tổ chức học tập các chuyên đề, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện các chuẩn mực đạo đức lối sống, tổ chức các hội thi, hội diễn…, Hội LHPN huyện chú trọng phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, phong trào xây dựng hũ gạo tình thương, ống tiền, heo đất tiết kiệm được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng, bởi đây không chỉ là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế của tất cả các hộ gia đình. Gần 2 năm nay, cứ đều đặn mỗi bữa trước khi nấu cơm, các thành viên trong gia đình chị Mai Thị Minh (thôn 2A, xã Ea Nam) lại không quên bỏ vào hũ gạo tiết kiệm đặt ngay cạnh bếp vài nắm gạo. Nếu có thành viên nào quên, buổi nấu cơm lần sau chị lại bỏ vào gấp đôi để bù. Không chỉ xây dựng hũ gạo tình thương, chị Minh còn “nuôi” một heo đất tiết kiệm từ những đồng tiền lẻ sau mỗi buổi chợ. “Gia đình tôi mới chuyển về xã sinh sống từ đầu năm 2010 nhưng khi được Hội Phụ nữ xã phát động, nhận thấy đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực nên mọi người trong gia đình đều tán thành và nhiệt tình tham gia. Mỗi tháng gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 3 kg gạo và vài chục nghìn đồng để giúp đỡ cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”, chị Minh thổ lộ.

Hội phụ nữ các cấp thăm hỏi, động viên gia đình chị Kiều Thị Hường (thôn 2A, xã Ea Nam)
Hội phụ nữ các cấp thăm hỏi, động viên gia đình chị Kiều Thị Hường (thôn 2A, xã Ea Nam)
Được phát động từ đầu năm 2008, đến nay, phong trào đã lan rộng ra 12/12 Hội phụ nữ xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua 4 năm thực hiện, chỉ bằng việc làm nhỏ là mỗi bữa nấu cơm, chị em bớt lại vài nắm gạo cho vào hũ, hay trước hoặc sau khi đi chợ bỏ 1.000 - 2.000 đồng vào heo đất, nhưng kết quả thu được tương đối lớn. Toàn huyện đã xây dựng được 347 hũ gạo tình thương, 459 hũ gạo nuôi quân và trên 300 heo đất tiết kiệm thu được trên 7,7 tấn gạo và hơn 200 triệu đồng. Từ số tiền và gạo trên, đã có hàng trăm lượt gia đình, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, gặp tai nạn đột xuất và lực lượng dân quân tự vệ địa phương được hỗ trợ, giúp đỡ. Gia đình chị Kiều Thị Hường (thôn 2A, xã Ea Nam) là hộ nghèo của thôn, có con bị bệnh tim bẩm sinh. Tuy cũng có 2 sào cà phê nhưng chưa đến thời kỳ thu hoạch, mọi chi tiêu, sinh hoạt, thuốc men cho con đều trông chờ vào tiền làm thuê của chồng nên cuộc sống gia đình chị rất chật vật. Biết hoàn cảnh của chị Hường, chi hội phụ nữ thôn đã đến thăm hỏi, động viên và trích tổng cộng 60 kg gạo, hơn 1 triệu đồng từ hũ gạo, ống tiền tiết kiệm để hỗ trợ. Chị Hường bày tỏ: “Từ sự quan tâm, giúp đỡ của chi hội, gia đình tôi đã thực sự cảm thấy ấm lòng và có thể vượt qua những lúc ngặt nghèo nhất”.

Không chỉ xây dựng heo đất, hũ gạo tiết kiệm, Hội LHPN huyện còn phát động tiết kiệm đất xung quanh nhà trồng rau sạch, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Đến nay, hội viên phụ nữ huyện đã xây dựng được 40 mô hình trồng rau sạch tại thị trấn Ea Drăng và các xã Cư Amung, Ea Sol, Ea Ral, Ea Nam; sử dụng điện tiết kiệm tại xã Ea Wy. Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm còn thể hiện trong quá trình tổ chức ma chay, cưới hỏi của mỗi gia đình thông qua việc cắt giảm thời gian và các chi phí không cần thiết. Ngoài các hình thức tiết kiệm trên, Hội LHPN huyện thành lập và duy trì các tổ, nhóm tiết kiệm vì phụ nữ nghèo để giúp chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay đã có 212 tổ, nhóm tiết kiệm được thành lập với 3.900 thành viên tham gia, huy động nguồn quỹ trên 750 triệu đồng, giúp cho hơn 1.000 lượt hội viên vay xoay vòng lãi suất thấp. Đồng thời, các cấp hội còn vận động hội viên có kinh tế khá giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng cách cho mượn cây, con giống, phân bón… Với cách làm trên, nhiều gia đình hội viên trên địa bàn huyện có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Chị Mai Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện đánh giá: “Các hình thức tiết kiệm trên đã thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống cộng đồng. Số gạo, tiền, vốn vay được hỗ trợ, giúp đỡ theo từng tháng, quý của hội phụ nữ các cấp đã tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình hội viên khó khăn từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và điều quan trọng hơn cả là qua phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ đã thể hiện được tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của chị em”.

Yến Ngọc

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.