Chan chứa những tấm lòng thơm thảo, sẻ chia
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những việc làm thật đẹp của lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện; tấm lòng thơm thảo của một người mẹ nghèo sẵn sàng rộng mở cánh cửa đón tiếp thí sinh; những lời động viên ân cần, sẻ chia của một ông bố từng đưa con đi thi… đã góp phần xua tan những áp lực thi cử cho hàng nghìn thí sinh và người nhà.
Tấm lòng người mẹ
Những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, tại căn nhà cấp 4 rộng chưa đến 50 m2 (số 46 Hồ Tùng Mậu, TP. Buôn Ma Thuột) của bà Đào thật nhộn nhịp. Ngoài những đứa cháu nội, ngoại luôn vây quanh tíu tít kể chuyện ở trường, lớp còn có thêm 10 thí sinh và người nhà đến trọ. Thấy tôi tới, bà Đào (68 tuổi), chủ ngôi nhà ân cần hỏi: “Phụ huynh đưa con đi thi hả? Xách ba lô vào đây. Nhà vẫn còn chỗ ở đó”. Song khi biết tôi là phóng viên tìm hiểu viết bài, bà có phần ái ngại. “Nhà chật hẹp, xập xệ chỉ ở được vài người, nhà báo nên tìm đến chủ nhà trọ khác, với lại tôi không muốn người ta biết việc mình cho thí sinh ở miễn phí”, bà nói. Tôi hiểu và cảm nhận được điều lo lắng của bà Đào, khi tình hình an ninh-trật tự trong những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng ở các điểm thi THPT Hồng Đức, Chuyên Nguyễn Du tương đối phức tạp. Bà Đào chia sẻ: “Là mẹ của 8 đứa con nên tôi hiểu rõ những vất vả cũng như kỳ vọng của bố mẹ dành cho con. Chính vì vậy, khi thấy phụ huynh, thí sinh “tay xách nách mang” tất tả tìm kiếm nhà trọ, không ít người trong số đó chỉ vì “lạ nước lạ cái” đã bị kẻ xấu lừa tiền, không có chỗ ăn, ở đảm bảo nên tôi đã tìm đến Đội tiếp sức mùa thi đề nghị cho ở trọ miễn phí”. Như hiểu nỗi lòng của mẹ, các con của bà Đào, thậm chí cả gia đình sui gia cũng “tiếp sức” bằng cách đem quạt, đèn, nệm và những ấm chè xanh… đến để thí sinh và người nhà có chỗ ăn, nghỉ thoái mái trong những ngày thi. Chị Trần Thị Lương, phụ huynh em Nguyễn Thị Hiền (xã Nghĩa Thắng, huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông) xúc động nói: “Lần đầu tiên xa nhà, không biết chỗ ăn, ở thế nào, nên từ ngày 2-7, hai mẹ con quyết định đến TP. Buôn Ma Thuột. Suốt cả buổi chiều loay hoay mãi vẫn không tìm được nhà trọ, hai mẹ con đành về nhà người quen ở huyện Cư Kuin. Sáng 3-7 đến trường làm thủ tục đăng ký dự thi và đã được các chiến sĩ tình nguyện giới thiệu về nhà mẹ Đào. Đợt thi thứ II, hai mẹ con tiếp tục ở nhờ nhà mẹ Đào”. Không chỉ giúp chỗ ở, bà Đào còn hỗ trợ thêm tiền để phụ huynh đi chợ nấu ăn cho các sĩ tử yên tâm vượt vũ môn.
Bà Đào (bìa trái) cùng phụ huynh lo bữa cơm cho sĩ tử. |
Nhiều năm nay, quán cà phê For get me not trên đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột (gần Trường THPT Hồng Đức) là điểm đến của thí sinh và người nhà mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Không chỉ giúp chỗ ở miễn phí (khoảng 70 người/đợt thi), chủ nhà còn hỗ trợ thêm 15.000đồng/người/ngày để phụ huynh tự đi chợ nấu cơm cho sĩ tử.
Chủ quán là người đàn ông trung niên tên Hòa, quê gốc ở Hà Nội, tính tình có phần “gàn” nhưng cởi mở và thích nói chuyện học hành, thi cử của con cái, chuyện kinh doanh. Ông không muốn nói về việc hỗ trợ sĩ tử của mình, với lý do đơn giản, là người làm kinh tế không muốn tài sản của mình nhàn rỗi, lãng phí, cho thí sinh và người nhà ở trọ miễn phí là đang kinh doanh. Song lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh này đem lại là vô giá. Ông kể: “Gia đình ông có mặt tại TP. Buôn Ma Thuột trước ngày đất nước thống nhất. Khó khăn lắm, gia đình tôi mới trụ vững ở đất Tây Nguyên và xây dựng được cơ ngơi như hiện nay. Do đó, nếu để tài sản lãng phí là có lỗi với gia đình và với chính bản thân mình, nhất là khi nhiều người đang rất cần. Cách đây vài năm khi đem con về TP. Hồ Chí Minh thi đại học, tôi cũng đã từng được các chiến sĩ áo xanh tình nguyện tận tình giúp đỡ. Việc làm ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm và tôi suy nghĩ tại sao chúng ta không rộng mở tấm lòng, dành cho nhau những điều tốt đẹp. Một lời động viên, an ủi, một cử chỉ quan tâm còn hơn vạn lần giá trị vật chất”.
Những lúc rảnh rỗi, ông Hòa thường tâm sự, chia sẻ về con đường đi đến thành công, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, giúp phụ huynh, thí sinh nhận ra nhiều điều, nhất là giá trị của chính bản thân từ đó có thêm động lực, niềm tin để chinh phục những mục tiêu đã đặt ra.
Chiến sĩ Trần Xuân Thắng chở thí sinh đến nơi ở trọ miễn phí, giá rẻ. |
Ngày 2 và 3-7, lượng thí sinh đổ về các điểm thi mỗi lúc một đông. Những câu hỏi về phòng thi, điểm thi, chỗ ăn, ở “quay” các chiến sĩ “Tiếp sức mùa thi” như chong chóng. Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo, lăn dài trên khuôn mặt, cổ họng khô rát, các bạn vẫn tận tình cung cấp cho thí sinh và người nhà những thông tin đang cần. Hơn 10 giờ, lượng người đã vãn, các chiến sĩ tình nguyện tranh thủ ăn vội bữa sáng và cũng là bữa trưa. Ăn cơm chưa xong, một thí sinh và người nhà từ tỉnh Gia Lai đến, các chiến sĩ vội vàng “gác” khẩu phần ăn để tư vấn, hướng dẫn. Một chiến sĩ trong đội xe thồ “Chở ước mơ hồng” đã đưa thí sinh và người nhà đến nhà trọ giá rẻ gần địa điểm thi. Các chiến sĩ tình nguyện cho biết, mặc dù rất mệt, nhưng mỗi sinh viên cảm thấy tự hào khi được khoác chiếc áo xanh tình nguyện, đeo bảng tên Đội “Tiếp sức mùa thi”. Không phải sinh viên nào cũng có cơ hội được tham gia Chương trình tiếp sức trong những năm học đại học. Do đó, khi đã được chọn vào đội hình tình nguyện, bất cứ chiến sĩ nào cũng muốn đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ để giúp sĩ tử và người nhà. Những việc làm của mình hôm nay sẽ tiếp thêm lửa cho tân sinh viên trong tương lai để viết tiếp truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ, của sinh viên Việt Nam.
Chiến sĩ Trần Xuân Thắng, sinh viên khoa Tự nhiên công nghệ K09, Đội trưởng Đội tiếp sức mùa thi tại điểm thi Trường THPT Hồng Đức chia sẻ: “Năm ngoái, em và 4 bạn sinh viên tình nguyện được Ban Chỉ huy Chiến dịch phân về điểm thi Trường THPT Hồng Đức. Năm nay, khi biết có tên trong danh sách đội hình “Tiếp sức mùa thi”, em đã chủ động xin được trở lại điểm thi cũ. Vì điểm thi này gần khu vực chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột và Bến xe buýt rất phức tạp, nhưng vì đã một lần tham gia nên ít nhiều có kinh nghiệm để giúp đỡ thí sinh và người nhà được nhiều hơn”.
Áp lực công việc lớn, thậm chí có lúc phải đối diện với hiểm nguy, nhưng thêm một sĩ tử có chỗ ở, chỗ ăn bảo đảm là thêm một niềm vui, đã giúp Thắng và hàng trăm thanh niên, sinh viên tình nguyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự thành công chung của mùa thi đại học, cao đẳng năm nay.
Ý kiến bạn đọc