Multimedia Đọc Báo in

Hội Chữ thập đỏ Dak Lak: Ấm áp những “hành trình” từ thiện

15:58, 14/08/2011

Bằng nhiều phương thức, trong nhiều năm qua, những hội viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh miệt mài tổ chức các hoạt động thu hút được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc màu da cam (CĐDC), góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp họ vươn lên cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng.

Từ những phong trào nhân ái
Theo số liệu điều tra năm 2006, toàn tỉnh có khoảng trên 8.530 đối tượng bị nhiễm CĐDC. Đa số những hộ gia đình này đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Trong 5 năm qua, cùng với Hội Nạn nhân chất độc màu da cam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát động nhiều phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC. Trong đó có thể kể đến các  phong trào mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa trong cộng đồng như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, chương trình “Nâng cánh ước mơ”… Từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, bình quân mỗi năm Hội huy động từ các tổ chức, cá nhân khoảng 2 – 3 tỷ đồng, giúp đỡ được hàng trăm ngàn hộ gia đình nghèo, nạn nhân CĐDC. Qua 5 năm (2005-2010) riêng việc hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động hơn 3,6 tỷ đồng.  Ngoài việc tặng quà, xây nhà, nguồn tài trợ này chủ yếu dùng để hỗ trợ các nạn nhân thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, từng bước giúp họ xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Từ phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân một địa chỉ nhân ái”, sau 2 năm phát động, Hội đã giúp cho 515 hộ gia đình nạn nhân nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh với tổng số tiền 286 triệu đồng. Rồi Chương trình “Nâng cánh ước mơ” cấp học bổng và làm nhà cho 8 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 280 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ này, cùng với chương trình làm nhà từ thiện, nhiều nạn nhân đã có được mái nhà ấm cúng, nhiều con em của nạn nhân có cơ hội được đến trường. Ông Lê Xuân Hồng,  Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh việc phát động các phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong những năm qua, từ năm 2004, được sự chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh hội đã thực hiện hiệu quả “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” vào tháng 8 hằng năm. Từ đó, các phong trào từ thiện nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về các nạn nhân. Cũng từ những việc làm này của cộng đồng, xã hội đã giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên. Có lẽ, đó cũng chính là nguồn động viên tinh thần cho những người làm công tác xã hội, từ thiện như chúng tôi”

Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm và tặng quà nạn nhân Nông Thị Nguyên thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. BMT)
Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm và tặng quà nạn nhân Nông Thị Nguyên thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. BMT)
...đến các hoạt động trợ giúp bền vững
Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ, chính vì vậy Nhà nước luôn có các chương trình chính sách, dự án quan tâm giúp đỡ các nạn nhân vượt qua đói nghèo, vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức. Với Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” giai đoạn 2006-2010 do Chính phủ hỗ trợ, trong 5 năm triển khai tại tỉnh ta (tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giúp nhiều nạn nhân CĐDC và người khuyết tật nghèo được khám và chữa bệnh; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế gia đình; dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân... Với phẫu thuật chỉnh hình, các đối tượng được ưu tiên là trẻ em từ 8 tháng tuổi đến 18 tuổi với các bệnh thường gặp như: trật khớp háng bẩm sinh, dính ngón tay chân ,vẹo khủy, co rút gân cơ 3 đầu, co rút gân Achile, sứt môi hở hàm ếch… Trong 5 năm, đã có 106 nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa để điều trị phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi vận động. Nhiều nạn nhân có sự phục hồi tốt như H’Rael Niê (Buôn Hồ), H’Uen Niê (Krông Ana), Y Kuel Ayun, H’Bliết Ayun (Cư M’gar)… Bên cạnh sự hỗ trợ của Dự án, Hội Chữ thập đỏ đã vận động các tổ chức cá nhân từ thiện trong tỉnh, giúp nạn nhân Da cam và người khuyết tật mổ sứt môi hở hàm ếch cho cho 136 cháu, mổ tim bẩm sinh cho 9 cháu tại Hàn Quốc, 1 cháu tại Viện Tim TP.HCM, mổ đục thủy tinh thể cho 412 nạn nhân; cấp 1.120 xe lăn và 30 xe lắc;  khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 3.200 lượt người với tổng trị giá 5,6 tỷ đồng. Một trong những chương trình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững nữa đó việc hỗ trợ các nạn nhân CĐDC phát triển sản xuất. Chính từ sự hỗ trợ này mà các nạn nhân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cùng với việc được các cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, Dự án hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 2-5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ (trong đó, 232 hộ được hỗ trợ bò giống; 36 hộ được hỗ trợ chăn nuôi dê, từ 96 con, hiện nay đàn dê tăng trưởng lên 228 con; 49 hộ được hỗ trợ sản xuất nhỏ; 11 hộ được hỗ trợ buôn bán nhỏ, phương tiện, dụng cụ làm nghề sửa chữa xe máy, cắt tóc…). 

Nhìn lại trong suốt 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động quyên góp hỗ trợ vì nạn nhân CĐDC dù chưa thể nào giúp được hết tất cả những nạn nhân nhưng với những hoạt động nhân đạo, từ thiện âm thầm không mệt mỏi, Hội đã góp phần chung tay góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, mang đến niềm vui cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Và cũng từ những phong trào, “hành trình” từ thiện ấy, đã nhân lên biết bao tấm lòng trong cộng đồng, xã hội biết chia sẻ, cùng cộng đồng trách nhiệm với nỗi đau da cam

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc