Multimedia Đọc Báo in

Phục vụ xe buýt - nghề “làm dâu trăm họ”

18:22, 14/08/2011

Ngày nay, xe buýt là loại phương tiện công cộng khá quen thuộc và tiện lợi đối với mọi người, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhưng, mấy ai biết rằng, đằng sau mỗi chuyến xe an toàn là những câu chuyện đầy vất vả đối với đội ngũ nhân viên nhà xe...

Khi nói đến xe buýt, thường người ta hay nhắc đến những cách ứng xử chưa đúng mực của lái, phụ xe và nhân viên bán vé như: bỏ điểm dừng, nhồi nhét khách, phóng nhanh vượt ẩu… Phải chăng, chúng ta còn quá khắt khe hoặc chưa cảm thông hết cho những nhọc nhằn, áp lực với công việc mà những người làm cái nghề “làm dâu trăm họ” này phải gánh chịu. Chị Đỗ Thị Anh, nhân viên bán vé tuyến TP. Buôn Ma Thuột - thị trấn Buôn Trấp tâm sự: Nghề lái, phụ xe buýt rất vất vả, vì luôn bị áp lực về thời gian, làm sao cho xe chạy kịp giờ, kịp chuyến không để khách phải chờ đợi lâu. Mỗi đầu xe chạy 2 ca/ngày, mỗi ca có 2 - 3 nhân viên theo xe. Nếu làm ca sáng, nhân viên phải thức dậy từ lúc 3 giờ để chuẩn bị 5 giờ xe chạy, còn ca chiều thì luôn về muộn, sớm nhất cũng khoảng 23 giờ mới có mặt ở nhà… Chưa kể, làm nghề này phải đối mặt với đa dạng hành khách, nhiều tính cách, cư xử khác nhau, nếu không vững vàng, kiên nhẫn sẽ không theo nổi nghề. Nhân viên xe buýt thường xuyên được tham gia các khóa học đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách (do Công ty chủ quản phối hợp với đơn vị khác tổ chức hằng năm). Ngoài ra, trước khi được tuyển vào làm nhân viên, lái, phụ xe, nhiều người đã có trình độ chuyên môn hệ Trung cấp, Cao đẳng hoặc Đại học. Với tinh thần cầu tiến, nhân viên nhà xe luôn mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và góp ý thẳng thắn từ phía hành khách để dần hoàn thiện nghề mình hơn, hướng đến một môi trường xe buýt văn minh, lành mạnh.

Học sinh chen lấn lên xe buýt sau giờ tan trường.
Học sinh chen lấn lên xe buýt sau giờ tan trường.
Tuy nhiên, với áp lực công việc mỗi ngày, thời gian ngừng nghỉ hạn chế, việc ăn uống không hợp lý, cộng với lượng khách đi xe luôn đông đúc (nhất là chở học sinh khi tan trường, hay vào dịp lễ tết) các nhân viên xe buýt phải làm việc rất căng thẳng, khiến không ít lần có người bị ngất. Như trường hợp xảy ra hồi năm 2007, nam nhân viên bán vé Nguyễn Minh Duy do làm việc quá sức đã ngất xỉu tại điểm dừng đỗ trước chùa Ngọc Khánh, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Lượng hành khách đông, cộng với thời tiết oi bức, dẫn đến tâm lý khách và người phục vụ đôi khi rất căng thẳng, nếu nhân viên nhà xe không khéo xử lý sẽ dễ dẫn đến đôi co, xô xát với hành khách. Mới đây, chị Đào Thị Thanh Tâm, nhân viên bán vé tuyến Buôn Ma Thuột - Ea Súp, chỉ vì yêu cầu một nữ hành khách cho hành lý cồng kềnh, có mùi khó chịu xuống cốp xe để không ảnh hưởng đến hành khách, nhưng người phụ nữ này không đồng ý và vung tay tát vào mặt chị Tâm ngay trước mặt rất nhiều người. Còn nhân viên Nguyễn Văn Hà bán vé tuyến Buôn Hồ - Krông Năng, chỉ vì yêu cầu một số học sinh đưa vé đăng ký tháng để kiểm tra liền bị nhóm học sinh này đánh hội đồng, khiến anh gục ngay tại chỗ… Mỗi chuyến xe buýt là một câu chuyện dài kỳ đầy khắc nghiệt, và để bám trụ được với nghề không phải ai cũng làm được.

Một ngày rong ruổi cùng những nhân viên lái, phụ xe buýt mới phần nào hiểu được nỗi khó khăn cực nhọc của họ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ vẫn tiếp tục công việc, nắm chắc vô lăng, phục vụ hành khách trên những chuyến xe tiện lợi, an toàn.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc