Multimedia Đọc Báo in

Xung kích, tình nguyện trên mặt trận huyện Ea Kar

17:16, 11/08/2011

Thay vì kỳ nghỉ hè bên cạnh người thân, gia đình; hơn 40 sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên đã và đang xung kích, tình nguyện giúp người dân thôn 23 xã Cư Ni (huyện Ea Kar) làm đường, cuốc cỏ, trồng cây và ôn lại kiến thức cho các em học sinh chuẩn bị vào năm học mới.

Vượt một quãng đường dài gần 80 km, chúng tôi có mặt tại thôn 23, xã Cư Ni vào một ngày hè cuối tháng 7, đúng lúc các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên đang hoàn thiện những công việc cuối cùng của chiến dịch Mùa hè xanh năm 2011. Những buổi đi tuyên truyền, dạy học, làm nương rẫy giúp các gia đình khó khăn hay những ngày cuốc đất, làm đường đã làm khuôn mặt các em dường như trở nên đen sạm bởi cái nắng và gió bụi. Thế nhưng, nhìn nét mặt vui tươi, phấn khởi của mỗi người về quãng thời gian vừa trải qua, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trong họ vì đã góp một phần nhỏ vào công tác xã hội.

Trên con đường đất đỏ bụi mù, hình ảnh màu áo xanh tình nguyện với tiếng hát, tiếng cười và tiếng cuốc, xẻng va chạm làm sôi động cả một vùng quê. Thay vì cầm trên tay những cây bút, tập vở để chuẩn bị cho năm học mới; các sinh viên tình nguyện lại cầm cuốc, xẻng để mở con đường mới dài hơn 3 km cho người dân thôn 23 đi lại được dễ dàng, thuận tiện hơn. Em La Thị Nguyệt, sinh viên năm thứ 2, khoa Lý luận - Chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên vui vẻ nói: “Lần đầu tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh em cảm thấy rất vui, dù công việc hơi nặng nhọc so với sức khỏe của mình. Để mở được con đường này, các hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, chặt cây trồng mà gia đình đã trồng lâu năm giờ đang cho thu hoạch, em cảm thấy dù khó khăn, nhưng họ luôn sống vì mọi người. Qua đây, em cũng thấy được người dân sống rất tình cảm, họ còn xem chúng em như con cháu trong nhà”. Chứng kiến các sinh viên tình nguyện làm việc hăng say, người dân thôn 23 hết sức vui mừng, bởi họ sắp có con đường mới để đi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đệ, thôn trưởng thôn 23 chia sẻ: Là địa bàn nằm cách trung tâm xã gần 20 km, đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại. Bây giờ, nhờ sự giúp đỡ của các sinh viên, chúng tôi có đường đi lại nhanh và thuận tiện hơn”. Đáp lại sự nhiệt tình, hăng say làm việc giúp dân của các sinh viên tình nguyện, mỗi hộ dân trong thôn đã tự nguyện đóng 20.000 đồng để hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các em. Bên cạnh đó, mỗi khi có mớ rau xanh hay kéo được con cá trong hồ, họ đều đem đến cho các sinh viên để cải thiện bữa cơm hằng ngày.

Sinh viên tình nguyện làm đường giúp dân.
Sinh viên tình nguyện làm đường giúp dân.
Ngoài những buổi làm đường giao thông, các sinh viên tình nguyện còn cuốc đất, làm cỏ, trồng rau giúp các hộ gia đình nghèo cũng không kém phần mệt nhọc, họ chia nhau đi giúp từng gia đình khó khăn, neo người trong thôn, Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Nguyễn Văn Đại, chồng đau ốm, một mình người vợ phải làm việc để nuôi 3 đứa con nhỏ; các sinh viên tình nguyện đã nhanh chóng đến nhà giúp anh làm lại nền nhà, cuốc cỏ rẫy ngô, trồng vườn rau xanh… Những ngày sống và làm việc cùng các hộ dân đã giúp sinh viên hiểu rõ cuộc sống vất vả của người dân ở các vùng quê nghèo khó. Em Lưu Văn Thạch, sinh viên năm thứ 3 tâm sự: “Trải qua những ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với người dân em mới cảm nhận được những khó khăn của họ. Dẫu thiếu thốn vật chất, nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ và sống rất tình cảm”.

Cũng không kém phần vất vả, phải đi bộ hơn 3 km mới tới được hội trường thôn, nhóm sinh viên dạy hè hằng ngày phải đi đi về về 4 lượt như thế, đó là chưa kể đến những buổi đi vận động các em đến trường. Chỉ hơn 10 sinh viên, nhưng các em đã dạy hè cho hơn 100 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Sinh viên Hoàng Thị Huế tâm sự: “Do thiếu sự quan tâm của gia đình nên học lực của các em rất yếu, một số em đã học lớp 2 vẫn không biết viết tên mình. Có em đi học được một vài bữa thì phải nghỉ học để ở nhà giúp bố mẹ làm việc, những lúc như thế, bọn em phải đến nhà để vận động gia đình cho con em mình trở lại lớp học”. Nắng nóng, phòng học chật chội, nhưng tiếng giảng bài của những anh chị sinh viên tình nguyện hăng say để đem kiến thức truyền đạt cho các em học trò vùng sâu. Ngoài việc dạy học, các sinh viên còn tổ chức sinh hoạt như múa hát, chơi trò chơi để các em dạn dĩ, hoạt bát hơn.

Ban ngày thì làm việc giúp dân, buổi tối thì cùng thanh thiếu nhi trong thôn sinh hoạt hè, những ngày hè tình nguyện cứ thế trôi qua nhanh chóng. Dù khó khăn, vất vả, nhưng sau mỗi chuyến đi tình nguyện các sinh viên đoàn kết hơn, cảm thấy tuổi trẻ đã làm được những việc nhỏ nhưng rất đáng nhớ. Có thể nói, đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm chung tay xây dựng nông thôn mới, qua đó mỗi đoàn viên, thanh niên học hỏi, rèn luyện, khẳng định mình trước thực tiễn khó khăn trong cuộc sống.

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc