Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết hồ sơ cho nạn nhân chất độc da cam: Những khó khăn từ thực tế

09:23, 06/09/2011

Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 NNCĐDC nhưng mới chỉ có 1.374 đối tượng được giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng, chiếm trên 30%. Sở dĩ số đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước còn ít so với thực tế bởi những khó khăn và bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải.

Gia đình chị Nguyễn Thị Đối (thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) có 4 người con thì 2 trong số đó khi sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh. Cháu đầu Trần Thị Anh Diễm (sinh năm 1982) bị khoèo chân từ nhỏ, trí nhớ kém, học mãi mới hết cấp I. Khi lên cấp II, do không tự đạp xe đến trường được, gia đình lại khó khăn không có người đưa đón nên đã nghỉ học từ lâu. Cháu thứ hai Trần Anh Hòa khi sinh ra đã bị bại não, cả chân và tay đều bị khoèo không đi lại, cầm nắm được. Suốt 27 năm qua, Hòa chưa một lần cất được tiếng gọi mẹ mà chỉ phát ra được những âm thanh ú ớ… mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ. Thấy Hòa bị tật nguyền từ nhỏ, chị Đối đã làm đơn xin giải quyết chế độ trợ cấp da cam cho cháu bởi cả bố và mẹ chị đều tham gia hoạt động cách mạng ở vùng căn cứ H9 (nay là huyện Krông Bông) – nơi từng bị đế quốc Mỹ càn quét nhiều lần, bố chị lại là liệt sĩ. Tuy nhiên, hồ sơ của Hòa không được chấp thuận với lý do bố chị Đối không trực tiếp tham gia kháng chiến ở vùng bị quân đội Mỹ rải thảm chất độc hóa học. Và vì vậy, từ tháng 7-2009 đến nay, Hòa chỉ được nhận trợ cấp bảo trợ xã hội với mức 120.000 đồng/tháng. Số tiền này quá ít so với chi phí nuôi dưỡng, thuốc men cho Hòa, trong khi kinh tế gia đình chị Đối rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Ea Kar, trên thực tế, thủ tục làm hồ sơ để giải quyết chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó hiện nay là vướng ở các tiêu chí bệnh tật để làm căn cứ cho người bị nhiễm chất độc hóa học không sát thực tế, thiếu cơ sở khoa học và thiếu nhất quán trong các văn bản ban hành. Thêm vào đó, việc làm hồ sơ giải quyết chế độ cho NNCĐDC bao gồm 14 loại giấy tờ liên quan chứng minh địa bàn hoạt động ở chiến trường, sức khỏe hiện tại của người tham gia kháng chiến, tình trạng dị dạng, dị tật của con, chứng từ điều trị của bệnh viện, biên bản họp của địa phương, danh sách niêm yết những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của UBND cấp xã… Trong khi đó, phần đông người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người tham gia kháng chiến, lại thiếu người hướng dẫn kê khai, dẫn đến sai sót nhiều lần, sinh nản chí, bỏ cuộc. Thủ tục làm hồ sơ còn lòng vòng và quá trình giám định phải chờ đợi, kéo dài… gây rất nhiều khó khăn cho người đi làm chế độ.

Suốt 27 năm qua, mọi sinh hoạt của cháu Trần Anh Hòa (thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ.
Suốt 27 năm qua, mọi sinh hoạt của cháu Trần Anh Hòa (thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐTBXH) tỉnh cho biết, hầu hết những hồ sơ của NNCĐDC đủ điều kiện về mặt pháp lý đều đã được các cấp, ngành thẩm định, nhanh chóng giải quyết chế độ cho các đối tượng. Những trường hợp chưa đủ điều kiện đã được trả lời cụ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 95 hồ sơ chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó, 9 hồ sơ đã được Sở thẩm định, giới thiệu nhưng chưa có kết quả giám định của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh; 6 hồ sơ đang được thẩm định lại; 80 hồ sơ đã được Hội đồng Y khoa tỉnh giám định, nhưng các đối tượng không đồng ý kết quả hoặc việc giám định vượt quá khả năng chuyên môn nên đã giới thiệu đi giám định lại tại Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương 2 ở Đà Nẵng. Trong quá trình triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách cho NNCĐDC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại. Theo Thông tư 1609 của Bộ LĐTBXH về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trước mắt chỉ tiếp nhận và giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và người có bệnh án trước ngày 7-4-2009 (thời điểm Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được ban hành). Đồng thời, chỉ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến Hội đồng Giám định Y khoa những bệnh tật nằm trong danh mục của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT, không giới thiệu những bệnh tật nằm ngoài danh mục. Bên cạnh đó, do việc xác nhận hồ sơ của chính quyền cấp xã còn thiếu chính xác và hiện chưa có chính sách giải quyết chế độ cho những người dân sống trong vùng bị rải thảm chất độc hóa học nên đã gây khó khăn, bức xúc không chỉ cho các đối tượng mà ngay cả các cấp, ngành liên quan.

Có thể nói, chăm lo giải quyết chính sách cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học là việc làm hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Trách  nhiệm này không chỉ của ngành LĐTBXH, Y tế, mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc nhằm đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, tổ chức giám định kịp thời, giảm tải lượng hồ sơ tồn đọng và sự chờ đợi căng thẳng, đồng thời chỉ đạo các cấp cơ sở hướng dẫn, thông tin đầy đủ, thực hiện đúng quy định góp phần giải quyết chế độ kịp thời cho các đối tượng.

Theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT, ngày 20-2-2008 của Bộ Y tế, danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin gồm: ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma); u lympho không Hodgkin (Non – Hodgkin’s lymphoma); u lympho Hodgkin (Hodgkin’s disease); ung thư phế quản - phổi (Lung and Bronchus cancer); ung thư khí quản (Trachea cancer); ung thư thanh quản (Larynx cancer); ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer); ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers); bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler’s disease); bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính (Acute and subacute peripheral neuropathy); bệnh trứng cá do clo (Chloracne); bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes); bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda); các bất thường sinh sản (Unusual births); các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin); rối loạn tâm thần (Mental disorders).

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc