Multimedia Đọc Báo in

Nơi chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

09:01, 05/09/2011

Trung tâm tình thương Toàn Phát (thôn 1, xã Ea Pôk, huyện Cư M’gar) ra đời từ năm 1999. Đây không chỉ là nơi hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, chân tay teo tóp…) mà còn là một mái nhà chứa chan tình yêu thương, thắp sáng hy vọng cho những ước mơ chưa trọn vẹn.

Chủ nhiệm trung tâm là anh Trần Quang Trình (SN 1973), cũng mang trên mình dị tật (2 chân teo nhỏ) do nhiễm chất độc da cam di truyền từ cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ, nhưng với tính ham học, anh được bố mẹ cho đi học tiếp tại các lớp dạy nghề ở TP. Buôn Ma Thuột, năm 21 tuổi anh đã thành thạo nghề thợ may, tin học văn phòng, và đánh đàn Piano. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm giúp đỡ, năm 1999, anh Trình quyết định thành lập Trung tâm tình thương Toàn Phát, để có một mái nhà chung ấm áp, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật trên địa bàn huyện Cư M’gar. Bước đầu khởi nghiệp, với số tiền ít ỏi cha mẹ dành dụm được, anh mua một bộ máy tính để bàn cũ và chiếc máy sấy tăm tre. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp tự chế dành cho người khuyết tật, anh Trình đi khắp các thôn, buôn trong huyện để thuyết phục những người có cùng hoàn cảnh như anh tham gia học nghề tại trung tâm. Anh tâm sự, những ngày đầu mới thành lập trung tâm gặp không ít khó khăn nên việc thuyết phục học viên tham gia học nghề là rất khó, nhất là đối với những người khuyết tật, họ rất tự ti, mặc cảm và đặc biệt là thường mang trong mình những bạo bệnh có thể bộc phát bất cứ lúc nào, nếu không có niềm đam mê thực sự thì khó ai có đủ can đảm để theo đuổi đến cùng. Thuyết phục được người học đã khó, tạo công ăn việc làm cho họ càng khó hơn. Từ những học viên ban đầu, anh vừa truyền dạy nghề vừa tìm hiểu kỹ năng của từng  người để hướng dẫn sao cho phù hợp. Cùng với sự tận tâm, nhẹ nhàng trong cách dạy, kết hợp với các buổi sinh hoạt vui tươi tạo tâm lý thoải mái, hứng thú cho mọi người, các học viên không những tiếp thu nhanh bài học mà còn gắn kết nhau như anh em một nhà.

Các học viên học nghề gia công gỗ tại Trung tâm tình thương Toàn Phát.
Các học viên học nghề gia công gỗ tại Trung tâm tình thương Toàn Phát.
Tiếng lành đồn xa, đến nay trung tâm đã có gần 30 học viên từ 13-40 tuổi, đến khắp nơi trong huyện, học nghề và truyền dạy nghề cho nhau (người vào trước dạy cho người đến sau). Các học viên có thể tự làm ra sản phẩm tăm tre, chổi đót, gia công gỗ… bán ra thị trường. Những mặc cảm của các học viên khuyết tật cũng dần tan biến để hòa nhập môi trường học tập và làm việc tại trung tâm. Chị Trần Thị Hà, một học viên khiếm thị cho hay, trước đây, cũng như bao học viên khác, chị cảm thấy rất mặc cảm về khuyết tật của mình, nhưng từ khi sống trong mái ấm trung tâm, được anh Trình dạy nghề, đến nay chị đã làm được tăm tre, chổi đót thủ công thành thạo. Với mức lương hằng tháng 1,5 triệu đồng, chị đã tích cóp mỗi tháng 1 triệu đồng gửi về nhà giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học.  Nhiều người đã gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu thành lập, nếu có năng khiếu tốt sẽ được anh Trình giới thiệu đi học tiếp tại các trung tâm lớn trong và ngoài tỉnh; đặc biệt, có người sau khi thành thạo tay nghề đã hòa nhập tốt với xã hội, tự thành lập các cửa hàng riêng sửa chữa máy vi tính, dạy tin học… trên địa bàn, như anh Trịnh Hồng Sơn ở xã Ea Kiết, Hoàng Văn Hợi ở thị trấn Quảng Phú.

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc