Multimedia Đọc Báo in

Xóm tự quản ở Bình Hòa

11:16, 19/09/2011

Tự quản về an ninh - trật tự (ANTT), liên kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, chung lo việc tang lễ, hiếu hỉ, xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư là cách làm thiết thực, sáng tạo của chính quyền và người dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) trong việc phát huy quyền làm chủ và ý thức tự giác tham gia giữ gìn ANTT địa phương…

Xã Bình Hòa có 1.721 hộ, hơn 7.800 khẩu sinh sống ở 7 thôn. Trước đây, tình hình ANTT khá phức tạp, mâu thuẫn trong gia đình, ngõ xóm, tệ nạn xã hội, trộm cắp… thường xuyên xảy ra. Trước thực tế đó, năm 2004, một số hộ gia đình ở thôn 4 tự vận động thành lập xóm tự quản nhằm liên kết giúp đỡ  nhau trong cuộc sống và giữ gìn ANTT địa phương. Trên cơ sở đó, đến năm 2007, mô hình xóm tự quản được nhân rộng ra phạm vi toàn xã. Mỗi xóm tự quản có từ 30 đến 40 hộ gia đình liền kề nhau và tự bầu ra xóm trưởng, xóm phó là những người nhiệt tình và có uy tín trong dân. Các xóm tổ chức họp dân để thảo luận và ban hành quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của xóm tự quản. Hoạt động của xóm tự quản cũng phù hợp với các quy định trong bản hương ước của thôn, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động các thành viên trong xóm chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Không chỉ tự quản lý bản thân, gia đình không có người mắc các tệ nạn xã hội, các thành viên trong xóm còn giúp nhau bảo vệ tài sản, hòa giải các vụ mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ thôn xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Công an xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) trao đổi công tác với Ban tự quản thôn 2.
Công an xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) trao đổi công tác với Ban tự quản thôn 2.
Sau 6 năm triển khai, đến nay xã đã xây dựng được 45 xóm tự quản, thu hút trên 90% dân số tham gia. Định kỳ hai quý, các xóm sinh hoạt một lần để đánh giá tình hình ANTT, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và đời sống người dân để đề ra chương trình hoạt động tiếp theo; đồng thời phổ biến các chính sách, quy định mới của Đảng, Nhà nước, tình hình an ninh chung của xã để mọi người nắm bắt và cùng nhau nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện. Trường hợp có việc đột xuất, xóm trưởng triệu tập họp bà con để cùng bàn bạc, tìm hướng giải quyết. Thông qua các buổi họp, sinh hoạt, nhắc nhở, giúp đỡ nhau khắc phục những khuyết điểm, vận động mọi người giữ gìn đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa. Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt, đại diện công an viên xã, xóm trưởng sẽ phổ biến những phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để mỗi gia đình đề cao cảnh giác, tự phòng ngừa, đưa ra phương án phối hợp giải quyết. Trước đây thôn 2 là một trong những điểm nóng về tình hình ANTT, các loại tội phạm hoạt động khá phức tạp. Phát huy hiệu quả của mô hình xóm tự quản, các gia đình trên 12 trục đường ngang, dọc trong thôn đã cùng nhau họp bàn và quyết định thành lập 10 xóm tự quản. Thành viên trong mỗi xóm luôn đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, động viên con cháu đến trường; phối hợp với Ban tự quản, các đoàn thể của buôn hòa giải những vấn đề mâu thuẫn trong dân. Ông Lê Hồng Thu, xóm trưởng xóm 2, thôn 2 cho biết: nhờ hoạt động của các xóm tự quản, tình hình ANTT trên địa bàn đã được ổn định và giữ vững, người dân tập trung đầu tư phát triển sản xuất nên số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Những trường hợp chậm trễ trong việc đóng góp các  khoản, nghĩa vụ, nhờ sự động viên, giúp đỡ của xóm tự quản, đến nay đã chấp hành tốt. Một số cháu trước đây thường xuyên bỏ học chơi điện tử, các thành viên trong xóm kiên trì phối hợp cùng gia đình động viên giáo dục, nay đã tiến bộ chịu khó học tập và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn còn đóng góp 21 triệu đồng và ngày công để nâng cấp 1 km đường cấp phối trong thôn. Nhờ vậy, năm 2009, thôn 2 được công nhận là Thôn Văn hóa.

Qua 6 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác quản lý, Ban tự quản các xóm đã báo cho Ban Công an xã hàng chục nguồn tin có liên quan đến ANTT, trực tiếp bắt 1 đối tượng cướp giật tài sản giao Công an xử lý. Ngoài ra, các xóm còn phối hợp hòa giải thành công hàng trăm vụ xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, hòa giải, giải quyết tốt ngay từ cơ sở, nên trong những năm gần đây tình hình ANTT trên địa bàn xã luôn ổn định, không còn các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, không có trọng án và đơn thư, khiếu nại vượt cấp xảy ra. Anh Đặng Văn Huấn, Trưởng Công an xã Bình Hòa đánh giá: “Xóm tự quản là mô hình hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo đảm ANTT địa phương, được nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và công an cấp trên đánh giá cao. Hoạt động của xóm tự quản thu hút được đông đảo người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm và xây dựng nông thôn mới”. Với kết quả hoạt động trên, năm 2010, nhân dân và cán bộ xã Bình Hòa được Bộ Công an tặng Cờ thi đua và UBND tỉnh tặng Bằng khen cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.