Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN tỉnh: Chú trọng công tác giám sát việc thực hiện pháp luật chính sách về bình đẳng giới

10:13, 03/10/2011

Giám sát việc thực hiện pháp luật - chính sách về bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đóng vai trò trung tâm, cốt lõi trong quá trình tổ chức, triển khai, thực hiện công tác chính sách – pháp luật của các cấp Hội Phụ nữ, nhằm thể hiện một cách tốt nhất vai trò đại diện, bảo vệ quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, khắc phục tính dân chủ hình thức, phát hiện những vấn đề bất cập, sai lệch giữa chính sách và quá trình áp dụng chính sách vào thực tiễn. Trên cơ sở kết quả giám sát, Hội Phụ nữ các cấp can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, tích cực tham gia an sinh xã hội  vì mục tiêu bình đẳng giới.

Trong những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tổ chức giám sát từ 1-2 chính sách an sinh xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Đối với cấp xã tập trung giám sát việc bình xét hộ nghèo và cấp sổ bảo hiểm y tế; cấp sách và hỗ trợ tiền ăn cho học sinh mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách cấp muối, cấp dầu, cấp thuốc chữa bệnh; giám sát thực hiện các Quyết định 132, 134, 135 về cấp đất ở, đất sản xuất và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các thôn, buôn ở vùng 3… Hội Phụ nữ tỉnh đã chọn điểm giám sát về chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), giám sát việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Krông Ana; giám sát Nghị định 19, Nghị quyết 11 tại TX. Buôn Hồ.

   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các hội viên phụ nữ xã Ea Cao (TP. Buôn Ma Thuột) trong chuyến thăm và làm việc tại Dak Lak.   Ảnh: T.L
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các hội viên phụ nữ xã Ea Cao (TP. Buôn Ma Thuột) trong chuyến thăm và làm việc tại Dak Lak. Ảnh: T.L
Công tác giám sát cơ bản được thực hiện đúng thủ tục, quy trình, có kế hoạch, quyết định thành lập đoàn giám sát và văn bản kiến nghị cấp trên khi phát hiện vấn đề bất cập.

Kết quả giám sát cho thấy, hầu hết các chính sách của Nhà nước đã được triển khai tại địa phương, tuy nhiên, việc thực thi tại một số cơ sở còn chậm, sai đối tượng. Theo đó, huyện Ea H’leo xảy ra 4 vụ việc, huyện Krông Năng xảy ra 1 vụ việc, huyện Ea Kar 1 vụ, huyện Krông Bông 1 vụ. Cụ thể, qua giám sát thực hiện chính sách 167 tại thôn 2, xã Ea Nam (Ea H’leo), đoàn giám sát của Hội Phụ nữ tỉnh phát hiện sự việc có 2 hộ được hỗ trợ xây nhà theo Chính sách 167, tuy nhiên tờ trình đề nghị xây nhà bị chữa từ 2 hộ thành 1 hộ; vụ hội viên Nguyễn Thị Thanh, trú tại thôn 6, xã Ea Nam (Ea H’leo) thuộc hộ nghèo nhưng không được xét vào diện nghèo. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã Ea Nam còn phát hiện việc cấp gạo cứu đói tại thôn 8 không đúng đối tượng. Qua giám sát tại xã Ea Ral và Ea Hiao (Ea H’leo), đoàn đã phát hiện 12 cháu dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, 9 cháu được cấp thẻ sai họ tên. Ở xã Ea Tân (Krông Năng) đoàn giám sát phát hiện cấp sai 7,8 triệu đồng kinh phí hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết; phát hiện tại huyện Ea Kar có sai sót trong việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ cho học sinh theo Quyết định 112 (chương trình 135 giai đoạn II)… Tất cả những sai sót, bất cập trên đã được các cấp  Hội kiến nghị Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em và người dân tại địa phương. Buôn Tliêr, là điểm xảy ra tình trạng bạo lực gia đình thường xuyên và nhiều nhất ở xã Hòa Phong (Krông Bông), qua giám sát, Hội Phụ nữ đã phối hợp với chính quyền có biện pháp tuyên truyền, vận động thích hợp, góp phần làm giảm các vụ bạo lực gia đình ở buôn Tliêr.

Không chỉ thực hiện tốt vai trò giám sát, các cấp Hội Phụ nữ còn bám sát nhiệm vụ trọng tâm được quy định trong Nghị quyết 11/NQ-TW, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng tới việc bố trí cán bộ nữ  trong diện qui hoạch lãnh đạo, quản lý. Nhờ vậy, tỷ lệ nữ được  quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đề bạt, tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010 – 2016, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 25%, nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh 27%, cấp ủy tỉnh 12,5%, cấp huyện 12,3%, xã phường, thị trấn 13,57%.

Tuy nhiên, từ thực tế phong trào cho thấy hầu hết các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã làm khá tốt công tác giám sát an sinh xã hội nhưng lại chưa thực hiện có hiệu quả công tác phản biện. Vì thế, Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, thiếu sót, chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền cùng cấp thực hiện đúng và có hiệu quả  nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; tiếp tục phát huy vai trò giám sát của các cấp Hội đối với việc thực thi chính sách an sinh xã hội tại địa phương; nêu cao tinh thần học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để có thể tham gia xây dựng và phản biện xã hội, phấn đấu nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.

Nguyễn Thị Ninh

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.