Multimedia Đọc Báo in

Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn với Chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ dân tộc biên giới”

10:19, 04/11/2011

Từ năm 1991 đến nay, Hội LHPN huyện Buôn Đôn đã tích cực phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) trên địa bàn huyện chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Hội LHPN tỉnh về “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới và hải đảo”.

Các cấp Hội phụ nữ huyện Buôn Đôn và các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và trình độ mọi mặt cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc thuộc khu vực biên giới của huyện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Biên giới Quốc gia, các Hiệp định, Nghị định, Quy chế biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Đất đai, Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ chính trị; truyền thông Dân số - KHHGĐ. Các cấp hội phụ nữ đã chú trọng tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Hội Phụ nữ các cấp; giáo dục hội viên, phụ nữ về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, về phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chấp hành và thực hiện tốt quy chế biên giới giữa tỉnh ta với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia. Vào những ngày lễ lớn, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: tọa đàm, mít-tinh, hội thi, sinh hoạt chính trị… lồng ghép với phong trào xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cho hơn 47.640 lượt hội viên, phụ nữ tham gia; phối hợp với Ủy ban MTTQVN huyện và các ban ngành đoàn thể tổ chức 980 đợt phát động quần chúng, họp dân thu hút 44.747 lượt người tham gia qua đó tuyên truyền cho nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy truyền thống đoàn kết, vạch rõ âm mưu thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không nghe theo lời kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, xúi giục, không tham gia biểu tình, vượt biên trái phép, không tham gia gây rối tại thôn, buôn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội được tập trung thực hiện ở xã biên giới là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”… Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn đã duy trì và xây dựng được 148 nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm và tổ góp vốn với 3.320 thành viên tham gia với tổng số vốn 762 triệu đồng cho 722 chị vay xoay vòng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc huy động các nguồn vốn tự có trong chị em, các cấp Hội đã tích cực chủ động khai thác các nguồn vốn vay như: vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn 120 giải quyết việc làm và vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam… để chị em phụ nữ nghèo và cận nghèo vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, đến nay các cấp Hội trong toàn huyện đang quản lý 46.895 triệu đồng cho 3.774 lượt phụ nữ được vay vốn. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tổ chức 40 lớp tập huấn, thu hút 850 chị em tham gia về cách sử dụng vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái, sử dụng giống lúa lai… Được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, các chị em đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, trong thời gian qua có 892 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ, trong đó đã có 496 hộ thoát nghèo. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã hỗ trợ tiền, công sức lao động giúp hàng chục hộ nghèo có nhà kiên cố để “an cư lạc nghiệp”. Hội Phụ nữ huyện cũng đã xây dựng mới 7 nhà tình thương và sửa chữa 30 căn nhà tặng cán bộ, hội viên khó khăn về nhà ở.

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn xác định giáo dục,  bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập và trách nhiệm đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tình hình mới, vì vậy hằng năm Hội Phụ nữ huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện lồng ghép nội dung kiến thức giáo dục quốc phòng an ninh vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội phụ nữ ở cơ sở, kết quả trong những năm qua tổ chức được 15 lớp với 2.440 lượt chị em tham gia tập huấn. Đồng thời phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đội Công tác 355, Công an xã tổ chức cho hội viên, phụ nữ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang học tập về Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dự bị động viên, Quy chế biên giới, Nghị quyết 09/CP… và các văn bản liên quan đến giáo dục QP-AN. Các đợt tập huấn bồi dưỡng kiến thức đã giúp cho cán bộ Hội phụ nữ nhận thức sâu sắc hơn, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Phạm Thị Len

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.