Multimedia Đọc Báo in

Khi tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm

09:23, 07/11/2011

Thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất là một trong những khó khăn của phần lớn thanh niên nông thôn đặc biệt là đối tượng thanh niên nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm gì để hỗ trợ giúp đỡ thanh niên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn là câu hỏi đặt ra cho các cấp bộ đoàn trong tỉnh.

Xác định khó khăn trên, những năm qua, các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến huyện, xã, phường đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, nhằm định hướng, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó vấn đề tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn luôn được chú trọng. Thông qua các kênh cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, vay sản xuất kinh doanh, tính đến nay toàn tỉnh đã có 170.564 hộ thanh niên nghèo được vay vốn gần 186 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, nuôi trồng, khôi phục nghề truyền thống thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn thanh niên nông thôn. Anh Y Nhuần Byă, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: “Những năm qua, nhờ tư vấn, định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn nên nhiều mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả của đoàn viên thanh niên đã được nhân rộng tạo chuyển biến tích cực trong định hướng nghề nghiệp và việc làm cho tuổi trẻ tỉnh nhà”. Không chỉ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên vay vốn  ưu đãi để phát triển kinh tế, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho họ; đồng thời đôn đốc các bí thư Đoàn xã thường xuyên nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn cách thức làm dự án, thủ tục vay vốn cho ĐVTN. Nhờ đó mà nhiều thanh niên nhu cầu đều được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế và làm ăn hiệu quả. Điển hình như H’Kép Ayun (buôn Puăng B, xã Ea Phê, huyện Krông Pak) nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ bị mù lòa, cô chị song sinh và người anh bị tâm thần nên H’Kép Ayun sớm trở thành trụ cột trong gia đình. Nhờ sinh hoạt Đoàn, cô tìm thấy niềm vui và điểm tựa để vươn lên thoát nghèo. Năm 2002, từ 5 triệu đồng do tổ chức Đoàn tín chấp cô đầu tư mua bò, lợn về nuôi cộng với tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến độ kỹ thuật do Đoàn xã hướng dẫn. Thấy giống bò, heo ở địa phương nuôi không hiệu quả, H’Kép mạnh dạn mua giống nơi khác về cho lai để cải tạo. Góp gió thành bão, đàn bò, heo của H’Kép từ một vài con ban đầu đã tăng lên hàng chục con. Không dừng lại ở đó, cô bán heo, bò mua thêm 4 ha đất trồng 2 ha ngô, 1 ha cà phê, 1 ha ruộng nước. Nhìn đàn gia súc đông đúc đem lại cho cô thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và ngôi nhà khang trang tự tay H’Kép Ayun  thiết kế, mấy ai biết mới ngày nào gia đình cô còn thiếu ăn, thiếu mặc.

H’Đrec hướng dẫn cho bạn cách dệt thổ cẩm.
H’Đrec hướng dẫn cho bạn cách dệt thổ cẩm.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, H’Kép còn tích cực hướng dẫn và hỗ trợ vốn cho các bạn trong buôn làm kinh tế. H’Kép nhận giải thưởng Lương Đình Của, cả buôn Puăng B ai cũng vui mừng. Không riêng gì H’Kép mà Phó Bí thư Chi đoàn buôn Trấp H’Thúy Kẽn (sinh 1987) cũng rất thành công với mô hình rau sạch của mình. Là con nhà nghèo đông anh em (tại Tổ dân phố Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), không được học hành như bạn bè trang lứa. Kinh tế phụ thuộc mấy sào ruộng trồng lúa và rau theo thời vụ bấp bênh, dù rất chăm chỉ nhưng gia đình cô vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống. Năm 2008, được tham gia lớp tập huấn về mô hình phát triển kinh tế nông thôn do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tổ chức, H’Thúy đăng ký thực nghiệm. Đất vườn sẵn có, được hỗ trợ 18 triệu đồng từ Tỉnh Đoàn và Sở Khoa học - Công nghệ, H’Thúy Kẽn làm nhà lưới 620 m2 trồng những loại rau ngắn ngày như cải, cà rốt, ngò, hành, su hào, xà lách…Sản phẩm thu hoạch không sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại nào, được siêu thị Co.op Mart ở thành phố Buôn Ma Thuột đặt hàng với số lượng lớn. Phấn khởi, Phó Bí thư Chi đoàn Buôn Trấp H’Thúy vừa khuyến khích, truyền kinh nghiệm cho bà con xung quanh vừa hướng dẫn các chi đoàn Quỳnh Tân, Quảng Điền, Dur Kmăn tham gia trồng rau sạch. Rau sạch của H’Thúy không chỉ thành thương hiệu thoát nghèo mà còn giúp cô trở thành người trẻ nhất được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Đình Của năm 2009. Mỗi người luôn chọn cho mình một con đường để đi tới thành công, với H’Đrec Byă (ở Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) thì việc kế thừa và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống lại mở ra hướng đi tươi sáng cho gia đình và cả buôn, làng. Là một gia đình nghèo có tới 8 anh chị em nên H’Đrec Byă phải nghỉ học sớm. Gặp lúc Tỉnh Đoàn phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên tới tận buôn mở lớp dạy dệt thổ cẩm, cấp luôn dụng cụ và khung dệt, cả buôn vui mừng vì nghề dệt trong buôn đã trở lại. Thấy vậy H’Đrec ghi danh ngay, trong quá trình học cô được khen có năng khiếu dệt và khéo tay nhất lớp. Học xong cô dệt tặng mẹ một bộ váy áo thổ cẩm truyền thống mà bà mơ ước từ lâu. Thấy thế, các bạn trong làng thích lắm, cứ tới đặt hàng H’Đrec khiến cô làm việc luôn tay, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Có vốn hỗ trợ của Đoàn, H’Đrec Byă rủ hai người bạn thân H’Minh Niê và H’Nhiêu Hra cùng dệt hàng để bỏ mối cho các quầy lưu niệm trên phố. Các cô dự định nếu không có gì thay đổi thời gian tới sẽ thành lập một hợp tác xã dệt thổ cẩm tại buôn để có đủ hàng cung cấp cho thị trường… Các gương điển hình nêu trên chỉ là một trong số hàng trăm thanh niên nông thôn của tỉnh nhà làm ăn hiệu quả từ sự hỗ trợ định hướng của tổ chức Đoàn các cấp. Tính đến nay, hơn 80% thanh niên nông thôn đã ổn định được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và hàng chục nghìn lao động thanh niên đã được đào tạo nghề.

 

Theo anh Trần Hồng Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết, để triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn hiện nay, các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, định hướng học nghề cho thế hệ trẻ, giúp họ tự đánh giá, lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, giúp cho thanh niên ý thức được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc không ngừng rèn luyện học tập, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc