Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi phẩm chất thanh niên xung phong

09:58, 26/12/2011

Không chỉ xung kích tình nguyện phục vụ kháng chiến, kiên cường trong chiến đấu, trở về với cuộc sống đời thường, tinh thần tình đồng chí, đồng đội lại tiếp tục được các cựu thanh niên xung phong (TNXP) phát huy thể hiện rõ  qua các hoạt động nghĩa tình, chung sức giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Những việc làm ấy đã và đang làm sáng mãi phẩm chất của lực lượng TNXP.

Khó khăn không lùi bước
Ở thôn Thác Đá (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) mọi người đều biết gia đình bà Nguyễn Thị Sâm một cựu TNXP không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hết lòng với công tác hội. Vào quê hương Dak Lak năm 2000, với số tiền tích góp ít ỏi gia đình bà mua được mấy sào cà phê già cỗi. Gặp lúc cà phê mất mùa, rớt giá, cộng với lần đầu tiếp cận cây trồng mới gia đình bà gặp không ít khó khăn. Bao nhiêu vốn liếng đều lần lượt vơi cạn khi các con đang trong độ tuổi ăn học, còn cà phê càng làm càng lỗ. Trước những thử thách khắc nghiệt của vùng đất mới gia đình bà đã tính trở về quê cũ, nhưng với bản lĩnh của người thanh niên xung phong không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, bà đã mạnh dạn thế chấp ngân hàng giấy sử dụng đất vay vốn cải tạo lại vườn cà phê. Cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cây giống phù hợp đến nay vườn cà phê đã cho quả, bội thu mỗi năm mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình bà có điều kiện tham gia hoạt động từ thiện, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội. Với trách nhiệm là Chủ tịch hội TNXP xã, bà Nguyễn Thị Sâm luôn bám sát cơ sở, động viên, giúp đỡ các cựu TNXP gặp khó khăn, tham gia đóng góp quỹ hoạt động từ thiện của địa phương, dành hàng chục triệu đồng cho cựu TNXP nghèo vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, bà còn tích cực vận động hội viên góp vốn gây Quỹ “Tình nghĩa” cho hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Nguyễn Thị Sâm còn là một người mẹ, người bà mẫu mực, bà thường xuyên dạy bảo con cháu nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước, sống thân thiện tình làng nghĩa xóm, các cháu ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Sự nỗ lực vươn lên cũng như những đóng góp của gia đình bà đã được chính quyền địa phương ghi nhận, được Hội Cựu TNXP huyện, tỉnh biểu dương khen thưởng.

Bà Nguyễn Thị Sâm đang chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Sâm đang chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Sẻ chia cùng đồng đội
Với cựu TNXP Nguyễn Xuân Thể (ở thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) điều đáng quý ở anh là nuôi chí bền đưa gia đình thoát nghèo, dạy con cái thành người hữu ích cho xã hội và giúp đỡ nhiều hội viên cùng vươn lên ổn định cuộc sống. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời điểm ác liệt nhất, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Thể ở quê lúa Thái Bình đã làm đơn tình nguyện đi TNXP vào phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ ông cùng đồng đội ngày đêm làm cầu, làm đường, tham gia vận chuyển hàng hóa, tài liệu, đưa đón cán bộ trên tuyến giao thông huyết mạch - đường mòn Hồ Chí Minh. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ông trở về quê nhưng lúc này chiến sự ở biên giới Tây Nam xảy ra, với tinh thần khi Tổ quốc cần thanh niên luôn sẵn sàng, một lần nữa ông lại viết đơn tình nguyện xung phong phục vụ. Khi rời TNXP, trở về địa phương sinh sống cùng vợ con, hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, đôi lần làm ông nao núng. Nhưng rồi bản chất năng động, quyết đoán của người thanh niên xung phong, không cam chịu đói nghèo, ông tiếp tục khẳng định mình đi tìm cuộc sống mới. Năm 1985 ông quyết định đưa vợ và 2 con vào Dak Lak lập nghiệp. Không một tấc đất trong tay, vợ chồng ông phải lam lũ làm thuê làm mướn khắp nơi, ai thuê gì thì làm nấy. Sau 3 năm làm thuê tích góp được ít tiền vợ chồng ông mua được 1 sào đất để phát triển kinh tế. Với suy nghĩ “Đánh Mỹ không tiếc máu xương về hậu phương không chịu đói nghèo” ông lặn lội đi tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế ở các địa phương; kết hợp nghiên cứu tài liệu và đã tìm ra mô hình đa cây phù hợp. Thời gian đầu kinh nghiệm còn hạn chế nên hiệu quả đưa lại không cao. Ông tiếp tục nghiên cứu học hỏi từ khâu chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc cà phê, điều, cây ăn quả đúng quy trình, cách thức nên cây phát triển tốt. Từ 1 sào đất ban đầu đến nay ông đã có 3 ha cà phê, 2 ha điều và 500 trụ tiêu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia công tác Hội cựu TNXP ở địa phương. Với uy tín của mình, ông đứng ra tín chấp với Công ty phân bón ALUX cung cấp cho trên 400 hộ dân trong xã, trong đó có 20 gia đình cựu TNXP lấy phân bón về phục vụ sản xuất, chăm sóc cà phê đến cuối vụ mới thanh toán lại tiền đầu tư. Bên cạnh đó, ông còn tích cực động viên, giúp đỡ các cựu TNXP gặp khó khăn như cho gia đình ông Ama Duân ở buôn Tơng Lé vay 17 triệu đồng không lấy lãi, hay hỗ trợ gia đình  cựu TNXP Ngô Thị Xa người cùng thôn có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất, không có đất sản xuất số tiền 15 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Vận động đồng đội góp vốn gây Quỹ tình nghĩa cho hội viên nghèo vay vốn sản xuất; tư vấn giúp đỡ kinh nghiệm cho hội viên có nhu cầu phát triển mô hình đa cây….

Ông Trần Quý Thịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP huyện Cư M’gar tâm sự: “Nhờ phát huy tinh thần “Trẻ xung phong, già gương mẫu; thời chiến sống dũng cảm, thời bình sống mẫu mực” mà trong những năm qua các Ban liên lạc TNXP của huyện đã đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vững tin vào cuộc sống.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc