Chở Tết về vùng sâu
22:37, 23/01/2012
Một dòng nước mát, những chuyến hàng Việt về với nông thôn và các trò chơi dân gian được khơi dậy… đã thổi “luồng gió mới”, làm cho mùa Xuân vùng sâu, vùng xa thêm vui tươi, đầm ấm.
Giếng nước biên phòng
Có lẽ đây là cái Tết mà bà con ở các buôn Ea Ma, buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và các thôn 5, 6 (xã Ia R’vê), thôn Đoàn (xã Ia Lốp) của huyện Ea Súp mong đợi nhất, bởi “sự kiện” quan trọng: đó là các công trình giếng nước sạch sẽ đưa vào sử dụng, góp phần thỏa cơn khát của người dân ở các khu vực này từ nhiều năm nay. Sự trông chờ, mong đợi ấy là điều dễ hiểu nếu ai đã một lần đặt chân đến vùng đất này chứng kiến được sự khắc nghiệt của thời tiết khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn, thiếu nước sạch hằng ngày.
Người dân xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) không còn chịu cảnh khô khát khi có nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: Đăng Triều |
Tại các buôn Ea Ma, buôn Đôn (xã Krông Na), lâu nay gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã phải lấy nước từ hồ Cư Min để sinh hoạt, vì mạch nước tại đây sâu lại nhiều đá không thể đào giếng. Bởi vậy, khi nghe tin Ủy ban MTTQVN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết định đầu tư 140 triệu đồng khoan giếng nước, xây bể chứa và đường ống đưa nước về tận nhà, người dân phấn khởi, trông đợi từng ngày để được tắm mình trong dòng nước mát. Bà con các thôn 5, 6 (xã Ia R’vê), thôn Đoàn (xã Ia Lốp) của huyện Ea Súp, những ngày này cũng đang khẩn trương xây các bể chứa, chờ đợi giây phút tận mắt chứng kiến những dòng nước sạch lần đầu được đưa về. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê không giấu được niềm vui: “Nước sạch về buôn là niềm khát khao, mong mỏi của bà con từ nhiều năm nay. Cùng với chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” triển khai năm 2010, thì chương trình xây dựng các công trình dân sinh do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp thực hiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với những xã biên giới đặc biệt khó khăn. Qua đó thắt chặt thêm tình quân dân thắm thiết, mỗi người dân là một chiến sĩ biên phòng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”. Còn Thượng tá Trần Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết: “5 công trình dân sinh trên được đầu tư với tổng kinh phí là 350 triệu đồng, trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Hiện chúng tôi đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp thời hoàn thành và bàn giao cho bà con trước Tết Nguyên đán”.
Hàng Việt về nông thôn
Những ngày cuối năm này, chúng tôi có dịp về một số địa phương: Krông Pak, M’Drak, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana và thị xã Buôn Hồ để cảm nhận không khí mua sắm nhộn nhịp của những “phiên chợ” lưu động do các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức theo chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mỗi chuyến hàng đưa về nông thôn có từ 10-15 gian hàng, với khoảng 150 - 200 mặt hàng thiết yếu gồm thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép, dụng cụ nhà bếp; chất tẩy rửa các loại; đồ dùng học tập, gia đình, vật liệu xây dựng… và kéo dài 5-7 ngày. Anh Nguyễn Anh Tiến, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột cho biết: “Nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ, từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, cứ vào dịp cuối năm, Siêu thị lại tổ chức những đợt bán hàng lưu động dưới dạng “Siêu thị mini” để đưa hàng Việt đến với bà con 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông”.
Hàng Việt đã đến tận tay người tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Ảnh: Thế Hùng |
Việc đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các huyện, thị xã được triển khai dựa trên phương châm “Hàng hóa chất lượng - giá cả phải chăng - luôn mang lại giá trị tăng thêm cho khách hàng - Mọi hoạt động đều hướng đến cộng đồng và xã hội”. Chương trình đáp ứng được mong muốn của người dân và tạo thêm niềm tin vào các mặt hàng trong nước sản xuất. Anh La Văn Tuấn, giáo viên Trường THPT Trường Chinh (huyện Ea H’leo) nói: “Đường sá xa xôi, việc lên siêu thị ở TP. Buôn Ma Thuột để mua hàng là điều “xa xỉ” với người dân. Nhưng nhờ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, có nhiều loại sản phẩm đa dạng, phong phú, đặc biệt những sản phẩm thương hiệu với giá rẻ và nhiều chính sách ưu đãi khác đã giúp người dân thuận tiện mua sắm”.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đang triển khai không chỉ quảng bá thương hiệu mà còn tạo cơ hội để nhân dân được tiếp cận, sử dụng hàng Việt Nam, góp phần giúp hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Đón Tết tại buôn
Khi những tia nắng đầu tiên của một năm mới chiếu xuống cũng là lúc bà con buôn Hra Ea Hning (xã Băng A Drênh, huyện Cư Kuin) í ới gọi nhau đến Nhà Văn hóa cộng đồng tham gia các trò chơi dân gian do ngành Văn hóa phối hợp với UBND huyện tổ chức. Tùy nhóm tuổi, mọi người tham gia nhảy bao bố, ném bóng vào gùi, bịt mắt bắt dê, đi cà kheo… trong tiếng vỗ tay, cùng tiếng cười giòn tan mỗi khi một ai đó vấp ngã, đi chệch hướng hoặc ném bóng sai đích. Đó còn là tiếng la hét mỗi khi đội nhà đập bóng qua lưới ghi điểm và cũng không hiếm lần các cổ động viên nín thở, hồi hộp dõi theo từng đường bóng rơi. Phần thưởng của đội chiến thắng ở mỗi trò chơi là những hộp bánh hay vài chục nghìn đồng nhưng ai nấy đều phấn khởi, quyết tâm giành chiến thắng, vì đó còn là điềm may mắn của một năm.
Các trò chơi dân gian được tổ chức trong những ngày Tết luôn thu hút sự tham gia của người dân buôn Ea Hning. Ảnh: Nguyên Hoa |
Anh Y Thuynh H’Mok không giấu được niềm vui nói: “Trước đây, vào ngày mùng 2 Tết, gia đình mình và nhiều thanh niên nam, nữ trong buôn thường rủ nhau lên TP. Buôn Ma Thuột hoặc tìm đến các cụm thác Dray Sáp, Dray Nu, khu du lịch Bản Đôn, Hồ Lak vui chơi. Nhưng 2 năm nay, nhờ có các trò chơi dân gian được tổ chức tại buôn nên không đi chơi xa nữa”. Với các Ama, Amí niềm vui nhân đôi và như tìm thấy tuổi thơ của chính mình trong đấy.
Người dân buôn Ea Hning vẫn thường đến thăm, chúc nhau mỗi khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Nguyên Hoa |
Vào đêm hôm trước, tại Nhà Văn hóa cộng đồng, Ban tự quản buôn Ea Hning tổ chức cho bà con đón giao thừa bên ánh lửa bập bùng, men rượu cần và những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Dẫu vậy, những vòng tay theo nhịp chiêng ngân vang cứ thế nối dài, kéo mãi tận khuya. Ông Y Phi, Trưởng buôn Ea Hning cho biết: “Từ ngày 27, 28 Tết, bà con tập trung lau chùi, quét dọn nhà cửa, vườn tược tươm tất. Đến chiều ngày 29 dăm ba nhà thịt một con lợn ăn chung. Sáng mùng Một, không chỉ quây quần bên người thân, bà con đi đến nhà họ hàng, làng xóm chúc Tết và náo nức tham gia các trò chơi dân gian. Mọi người đều hy vọng một năm mới an lành, hạnh phúc, cầu mong mùa màng tốt tươi, mọi việc tốt đẹp”. Năm đầu tiên tổ chức “Buôn vui chơi, Buôn ca hát”, chỉ thu hút được vài hộ. Những năm tiếp theo, nhiều gia đình có cả bố, mẹ, con trai, con gái, dâu, rể cùng đến đây để tham gia tranh tài. Bây giờ thanh niên không còn rủ nhau đi đón Tết ở xa mà đã tìm thấy niềm vui ngay trong buôn.
Nguyên Hoa-Đăng Triều-Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc