Năm Thanh niên 2011: Sức trẻ gọi mùa xuân đến
22:35, 23/01/2012
Năm 2011 đặt dấu mốc mừng sinh nhật Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tròn 80 tuổi. Chặng đường phấn đấu và trưởng thành của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã góp phần làm rạng ngời trang sử vàng dân tộc. Hội tụ và thể hiện cao độ vai trò xung kích, tiên phong của tuổi trẻ, năm 2011 cũng ghi dấu mốc quan trọng với việc Đảng, Nhà nước chọn đây là Năm Thanh niên…
Năm của tuổi trẻ
Ngay sau tiếng trống phát động, Lễ ra quân Năm Thanh niên 2011 đã được tuổi trẻ Dak Lak khởi động bằng chuỗi những hoạt động mang ý nghĩa tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng sâu sắc. Đó là các nội dung: Thanh niên hành động vì người nghèo, Thanh niên hành động vì môi trường, Thanh niên hành động vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thanh niên hành động vì biên cương Tổ quốc và Thanh niên hiến máu tình nguyện. Với một mạng lưới rộng khắp, những công trình mang dấu ấn tuổi trẻ đã đồng loạt được triển khai thực hiện. Đó là nhà bán trú dân nuôi tại buôn Ayun, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, một công trình thanh niên cấp tỉnh trị giá gần 280 triệu đồng, với diện tích hơn 150 m2 gồm 4 phòng ở, bếp và công trình phụ được Tỉnh Đoàn khánh thành mở màn cho Năm Thanh niên. Từ những việc làm nhỏ nhất, hàng nghìn đoàn viên thanh niên đã ra quân tổ chức các hoạt động “Ngày vì người nghèo”. Đặc biệt nhiều năm nay, màu áo xanh tình nguyện đã trở nên thân thuộc với người dân nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa, khó khăn.
Lên rẫy giúp đồng bào. Ảnh: Kpă Y Khoa |
Với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội”, Chiến dịch TNTN “Mùa hè xanh 2011” ghi dấu ấn đậm nét của tuổi trẻ trong Năm Thanh niên. Chiến dịch khẳng định nhiệt huyết cũng như vai trò xung kích “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Trong một tháng chiến dịch, 269 công trình thanh niên, phần việc thanh niên được thực hiện với tổng kinh phí đầu tư và huy động 981 triệu đồng, cùng gần 54 nghìn ngày công lao động. Trong đó có 26 công trình xây dựng bê tông kiên cố gồm 4 nhà nhân ái, 15 nhà vệ sinh tự hoại, 6 sân bóng chuyền, 1 bến nước; 11 sân bóng chuyền bán kiên cố; trồng 8.000 cây xanh; 9 bến nước được tu sửa và làm mới; 34 nhà dân và 8 nhà cộng đồng, trường học được tu sửa…
Đoàn xã làm… “môi giới” việc làm
Từ năm 2010, bảng tin tư vấn giới thiệu việc làm, thông báo học nghề của Đoàn xã Ea Phê, huyện Krông Pak là địa chỉ hữu ích của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong nắm bắt thông tin học nghề, tuyển dụng lao động. Với con số 41 chi đoàn, 640 ĐVTN, việc làm là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Điều này càng được thể hiện rõ nét thông qua những ngày hội việc làm được tổ chức thành công trên địa bàn xã các năm trước đây. Trăn trở với việc giải quyết công ăn việc làm cho ĐVTN, Đoàn xã đã mạnh dạn đứng ra làm… “môi giới” giới thiệu việc làm cho thanh niên bằng mô hình xây dựng bảng tin tư vấn giới thiệu việc làm, thông báo học nghề. Kinh phí xây dựng công trình không lớn chỉ khoảng 8 triệu đồng, ĐVTN đồng tình, tích cực tham gia đóng góp ngày công bởi xác định được tính thiết thực và bền vững của mô hình này.
Bảng tin tư vấn giới thiệu việc làm – một địa chỉ tra cứu quen thuộc của ĐVTN Ea Phê. Ảnh: Đàm Thuần |
Theo đó, ngoài việc ĐVTN chủ động đến tìm hiểu thông tin trên bảng tin được đặt tại UBND xã, hằng tháng qua các cuộc giao ban thường kỳ, tất cả các thông tin tuyển dụng đều được bí thư các chi đoàn kịp thời tin báo đến đoàn viên. Đặc biệt có những thông tin tuyển dụng gấp, cán bộ đoàn sẵn sàng lặn lội xuống tận các thôn, buôn, gặp gỡ trực tiếp những đoàn viên đáp ứng được nhu cầu để không bỏ lỡ cơ hội tìm được việc làm. Hiện một số trường, một số công ty đã trở thành những “đối tác” quan trọng, quen thuộc của Đoàn xã như Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Nguyên; Trường Cao đẳng Nghề; Trường Trung cấp Trường Sơn; Công ty May Sambo ở Nha Trang. Bí thư Đoàn xã Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Đào tạo nghề cho thanh niên là một trong những chương trình được Đoàn xã chú trọng. Phối hợp với các trung tâm, đơn vị, Đoàn xã đã mở được nhiều lớp dạy nghề như: may, sửa chữa nông cụ, chăn nuôi thú y; thí điểm các mô hình chăn nuôi. Riêng năm 2010 – năm đầu tiên xây dựng bảng tin giới thiệu việc làm, thông báo tuyển dụng, Đoàn xã đã trở thành cầu nối giúp trên 200 lao động có việc làm để ổn định cuộc sống với mức thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, trong đó có nhiều ĐVTN là người dân tộc thiểu số. Năm 2011, công trình này vẫn tiếp tục phát huy tác dụng và tôi tin tưởng nó sẽ được duy trì bền vững. Bạn không thể tưởng tượng tôi hạnh phúc như thế nào khi nhận được những “đơn đặt hàng” chuyển về Đoàn xã, bởi có nhiều đơn đặt hàng, nhiều thông báo tuyển dụng, có nghĩa đoàn viên thanh niên của mình sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm…”.
Trợ lực cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp
Một trong những đặc điểm của thanh niên nông thôn là không đứng tên chủ sở hữu tài sản nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mặc dù có ý tưởng và khát vọng phát triển kinh tế nhưng nhiều người không thể thực hiện được do thiếu vốn. Quỹ khởi nghiệp ĐVTN huyện Krông Ana ra đời là chìa khóa gỡ bỏ những vướng mắc trên cho nhiều đoàn viên và được coi là công trình trọng điểm của Năm Thanh niên 2011.
Tuy nhiên, cũng như các tổ chức cơ sở đoàn khác, vấn đề tìm nguồn lại được đặt ra. Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana Lê Thị Thu Phương chia sẻ: Ý nghĩa, hiệu quả xã hội của chương trình đã thuyết phục được UBND huyện giúp đỡ cho Quỹ khởi nghiệp với khoản tiền ban đầu lên đến 200 triệu đồng. Số tiền trên không giao cho Huyện Đoàn trực tiếp quản lý mà được chuyển vào Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Huyện Đoàn có trách nhiệm duyệt các dự án để cho vay và theo dõi để bảo toàn vốn vay. Với khung tối đa 20 triệu đồng cho dự án của cá nhân và 50 triệu đồng cho dự án tập thể, các dự án đã nhanh chóng được Huyện Đoàn tổ chức thẩm định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho ĐVTN địa phương. Anh Trần Thanh Cườm (tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp), một thanh niên hoàn lương đã nhận 20 triệu đồng từ Quỹ tâm sự: “Ngày trở về, mặc dù đã rất quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng tôi cũng gặp muôn vàn khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Sau khi gửi dự án chăn nuôi heo của mình đến Huyện Đoàn, tôi đã nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ và dự án hiện đang hoạt động đúng với yêu cầu đề ra”.
Bên cạnh số tiền do UBND huyện hỗ trợ, Huyện Đoàn Krông Ana còn chủ động vận động sự đóng góp của mọi thành phần xã hội, trong đó đặc biệt hiệu quả là sự giúp đỡ trực tiếp của đoàn viên đối với đoàn viên. Hiện đã có 3 đoàn viên tự nguyện giúp đỡ 3 đoàn viên khác với số tiền 30 triệu đồng, không tính lãi trong một năm. Ngoài giúp đỡ bằng tiền mặt, các đoàn viên còn giúp nhau bằng cây, con giống và kỹ thuật sản xuất. Tiêu biểu như anh Nguyễn Tất Thắng (xã Băng A Đrênh) đã giúp 12 đoàn viên trong xã, mỗi người 10 con gà giống để tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp.
Huyện Đoàn Krông Ana là tổ chức cơ sở đoàn cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng Quỹ khởi nghiệp đoàn viên thanh niên. Thành công của chương trình này có thể coi là mô hình lý tưởng để nhân rộng trong thời gian tới.
Những ngôi nhà mang tên Nhân ái
Cha bị bệnh thần kinh, một mình mẹ xoay xở nuôi 3 người con đi học. Mọi khoản chi phí trong gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ tiền lương làm lao công của mẹ. Gánh nặng của cuộc sống, nỗi lo chuyện cơm áo thường ngày cứ đè nặng lên đôi vai người mẹ tảo tần ấy. Cả gia đình sống trong ngôi nhà ván thưa, trống tuềnh trống toàng, mùa lạnh gió lùa qua khe, che chẳng đủ ấm, mùa nắng thì nóng như nung lửa. Cứ nghĩ chuyện có một ngôi nhà kiên cố để cả gia đình được yên tâm làm ăn, sinh sống là ước mơ xa vời… Đó là câu chuyện cách đây chưa lâu về hoàn cảnh của gia đình em Tạ Minh Nhật, học sinh lớp 9D, Trường THCS Phạm Hồng Thái, hiện đang cư trú tại thôn 5, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột). Và ước mơ về một mái nhà đủ ấm áp, đủ kiên cố che nắng, che mưa của gia đình em ngỡ chỉ là giấc mơ xa vời ấy, nay đã trở thành hiện thực khi được sự quan tâm hỗ trợ, hưởng lợi từ công trình thanh niên xây dựng nhà Nhân ái do Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phát động. Ngày khánh thành, rất đông các cơ quan, đơn vị và bà con chòm xóm đã đến chia vui với gia đình. Nét mệt mỏi sau bao biến cố, khó khăn của người mẹ như được xua đi và hiện trên khuôn mặt ấy là niềm vui, sự xúc động khó nói thành lời…
Bàn giao nhà Nhân ái tặng gia đình em Trịnh Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 5A1, Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Lan Anh |
Còn biết bao câu chuyện cảm động khác cũng được tìm thấy khi đi dọc hành trình của chương trình xây dựng những ngôi nhà Nhân ái. Đó là hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của gia đình em Nguyễn Phùng Tú Uyên, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; hay hoàn cảnh của em Trịnh Thị Thanh Thúy lớp 5A1 trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn rồi hoàn cảnh gia đình em Hồ Thanh Vy học sinh lớp 7D trường THCS Hùng Vương… Dù mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh của các em khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung đó là sự vất vả, nghèo khó… Những nụ cười, lời cảm ơn được thốt lên từ niềm vui, hạnh phúc của các gia đình thật xúc động, chân tình, quý giá biết bao và điều đó cũng trở thành động lực, niềm khích lệ, đánh dấu sự thành công để những công trình thanh niên này tiếp tục được nhân rộng hơn nữa.
Những ngôi nhà Nhân ái nhanh chóng được bàn giao, mang lại niềm vui cho từng gia đình có dấu ấn đậm nét sự chung tay góp sức của lực lượng đoàn viên thanh niên và bà con chòm xóm. Nhiều ngày công, buổi công đã được đóng góp; mỗi người giúp đỡ một tay, từ khi khởi công đến khi bàn giao và đưa vào sử dụng những căn nhà Nhân ái được rút ngắn lại rất nhiều…
Niềm vui trong ngày khởi công xây dựng nhà Nhân ái tặng gia đình em Tạ Minh Nhật, học sinh lớp 9D, Trường THCS Phạm Hồng Thái. Ảnh: Lan Anh |
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Trong năm 2011, thực hiện các công trình thanh niên, các phong trào tình nguyện, vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã chủ động chỉ đạo, triển khai cho các cơ sở đoàn trực thuộc và đến đoàn viên thanh niên đảm nhận thực hiện các công trình thanh niên, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực như: xây dựng nhà Nhân ái giúp cựu cán bộ đoàn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, công trình thanh niên trồng cây xanh, tham gia hiến máu nhân đạo. Trong đó công trình thanh niên xây dựng nhà Nhân ái là một trong những phong trào mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mang tinh thần Tuổi trẻ xung kích hỗ trợ cho thanh niên, những người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên, có nhà ở ổn định để từng bước thoát nghèo. 14 căn nhà Nhân ái với tổng trị giá trên 280 triệu đồng đã được xây dựng trong năm 2011 là một con số mang lại niềm vui cho những người thực hiện và cả những người được hỗ trợ…
Chia sẻ với đồng bào mọi công việc. Ảnh: Kpă Y Khoa |
Và có lẽ những nụ cười hạnh phúc cùng tình cảm ấm áp của sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ vượt qua những lúc khó khăn ấy sẽ còn đọng lại mãi, là món quà quý giá mà những ngôi nhà mang tên Nhân ái mang đến cho mọi người - những ngôi nhà được xây nên bằng tình yêu thương và trách nhiệm của tuổi trẻ.
Đàm Nam Anh
Ý kiến bạn đọc