Những trụ cột “phên giậu” vùng biên
Miệt mài, vất vả với hai chữ “mưu sinh” ở một địa bàn vốn đã nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế, những công dân sống trên dải đất biên cương của Tổ quốc còn gánh trên vai mình trọng trách là “phên giậu” vùng biên.
“Phên giậu” vững chắc từ thế trận lòng dân
Diện mạo mới của vùng biên Ya Lốp càng khiến người dân yên tâm an cư lạc nghiệp |
Sau gần 4 năm trở lại Ya Lốp (Ea Súp), chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất biên giới giáp với tỉnh Munđunkiri của nước bạn Campuchia. Đây vốn là nơi khí hậu khắc nghiệt, đất bạc trắng, cằn khát về mùa khô, ngập úng về mùa mưa, hệ thống thủy lợi thì gần như chưa có gì. Chẳng thế mà không ít người dân (chủ yếu của hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre) những ngày đầu khi mới đến đây khai hoang lập nghiệp theo kế hoạch di giãn dân của Nhà nước đã trở về quê cũ dù được cấp mỗi hộ đến 1 ha đất sản xuất, được hỗ trợ làm nhà ở. Ấy thế mà giờ đây tâm thế an cư lạc nghiệp đã hiện rõ và bao trùm trên mỗi nếp nhà với vườn tược cây cối tươi tốt, màu xanh của những cánh rừng keo lai và cả bóng dáng đàn bò thấp thoáng dưới tán rừng. Ngôi trường “3 trong 1” gồm cả bậc mầm non, tiểu học và THCS giờ đã được nâng cấp và xây dựng mới để con em người dân vùng biên này càng yên tâm định cư. Đó là hai trường: Tiểu học Nguyễn Trãi và THCS Trần Hưng Đạo được khởi công xây dựng từ năm 2010 và đang hoàn thiện, không bao lâu nữa sẽ đưa vào sử dụng. Ông Hà Sĩ Bút, Trưởng thôn Đai Thôn nhớ mãi tâm trạng khi năm 2004 chính thức đặt chân lên dải đất biên giới này: “Đó là những ngày mùa khô, nắng hạn, nhìn đất đai bạc trắng, khô khát, ai cũng ngao ngán. Nhưng rồi sự trợ lực của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, lương thực và tình làng nghĩa xóm, sự đồng cảm, đùm bọc nhau, người nọ động viên người kia nên đất cũng không phụ công người. Giờ thì cuộc sống giàu có chưa dám nói, nhưng ổn định là điều dễ nhận thấy”. Cũng từ ngày thành lập đến nay, tiếng kẻng dân phòng với người dân thôn Đai Thôn đã trở nên quen thuộc. Nghe từng hồi kẻng là họ nhận biết được thông điệp mà ban quản lý thôn muốn thông báo: từ họp hành, đến báo động hỏa hoạn, trộm cắp… Ban quản lý thôn ở đây còn dày công dịch các văn bản về thực hiện quy chế biên giới ra tiếng Thái, ngôn ngữ bản địa của phần lớn những người dân sống trong thôn để tuyên truyền vận động có hiệu quả. Ông Bút cũng cho biết, 7 năm từ ngày thành lập đến nay trong thôn không có vụ việc nào nghiêm trọng xảy ra. Còn theo Trưởng thôn Trung Hồ Văn Đức, chính tinh thần, truyền thống của quê hương cách mạng đồng khởi Bến Tre đã giúp người dân đoàn kết, cần mẫn lao động sản xuất, ổn định cuộc sống trên vùng đất biên giới với khí hậu khắc nghiệt này.
Bà con vùng biên luôn chia sẻ, động viên giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn |
Với lãnh đạo của địa phương, nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, Đảng ủy, UBND xã đã quán triệt, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với bộ đội biên phòng để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân dưới các hình thức như thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, các buổi họp thôn. Chương trình “8 xóa” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là “diệt sạch” đói nghèo, tội phạm ma túy, dịch bệnh, hủ tục; xóa vượt biên xâm nhập; xóa xâm canh, xâm cư, nhà tranh tre dột nát và tình trạng phá rừng cũng được hạn chế dần. Các phong trào đã lan tỏa đến từng người dân khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần bảo vệ độc lập chủ quyền an ninh biên giới, tích cực phối hợp giúp đỡ bộ đội biên phòng trong phát hiện ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm quy chế biên giới và tố giác tội phạm.
Và nghệ thuật tuyên truyền, vận động
Y Nuôk- trưởng buôn Trí B |
Câu chuyện của Y Nuôk Byă, Trưởng buôn Trí B, xã Krông Na (Buôn Đôn) mấy năm trước xin không phải là hộ nghèo khiến bà con trong buôn cứ nhớ mãi. Chuyện là trước đây khi còn công tác tại UBND xã, gia đình Y Nuôk nghèo thật, nhà cửa tạm bợ phải đi lấy lá dầu trong rừng về lợp; buổi tối phải đi đánh cá về bán lấy tiền mua gạo từng bữa. Hoàn cảnh ấy ai chẳng muốn được công nhận hộ nghèo để nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng Y Nuôk thì cương quyết xin không phải hộ nghèo, không phải vì sĩ diện mà vì một suy nghĩ sẽ khiến nhiều người bảo ông là “ngông”, đó là chỉ có thoát nghèo mới tuyên truyền vận động tốt nhân dân. Cán bộ mà nghèo thì vận động xóa đói giảm nghèo không hiệu quả, bà con làm sao tin được. Còn việc mình nghèo thật thì có lao động là có tất cả, Nhà nước hỗ trợ cũng chỉ phần nào, quan trọng vẫn là sự nỗ lực của bản thân mình. Bằng lý lẽ như thế, Y Nuôk chăm lo làm việc, cuộc sống gia đình khá giả dần lên, 3 đứa con của ông đều được đi học và có việc làm ổn định. Tính đến nay tổng cộng Y Nuôk có thâm niên 10 năm làm buôn trưởng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” dù mức phụ cấp cho chức trưởng buôn chỉ có 340 nghìn đồng/tháng. Đủ mọi vấn đề từ hòa giải chuyện vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn xích mích... Nhận thức của bà con còn có những hạn chế nhất định nên hòa giải càng vất vả, có khi phải đi lại năm lần bảy lượt mới “êm”. Buôn Trí B là địa bàn giáp biên giới nên trong các cuộc họp buôn ông không bao giờ quên nhiệm vụ tuyên truyền để bà con hiểu về Quy chế Biên giới và chấp hành nghiêm. Bây giờ bà con muốn đi thăm người thân định cư ở nước bạn đều đăng ký làm thủ tục đầy đủ, không như trước đây tự ý đi lại bằng đường rừng. Trăn trở nhất của Y Nuôk là với tổng số 145 hộ, toàn buôn vẫn còn 92 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Ông cùng với thành viên Ban tự quản buôn đang nghiên cứu để tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân bớt nghèo. Mô hình trồng bắp lai, đậu xanh là một trong những hướng đi như thế mà ông gửi gắm nhiều hy vọng.
Y Thưng – Trưởng buôn Trí A |
Ở buôn Trí A, xã Krông Na (Buôn Đôn) người dân ví Buôn trưởng Y Thưng (Ama An) như “cán cân”. Nghe Y Thưng giải thích, tuyên truyền, vận động, bà con bảo nghe sướng cái tai, thông cái đầu và ưng cái bụng lắm. Bí quyết của ông là giải thích mọi việc rất gần gũi và dễ hiểu. Người dân buôn Trí A trước đây chưa hiểu thực hiện Quy chế Biên giới phải làm gì nên cứ “cãi chày cãi cối” với cán bộ là ra khỏi biên giới “chỉ đánh cá, săn bắt thôi thì có việc gì đâu”. Để giải thích cho bà con hiểu, Y Thưng chỉ lấy ví dụ so sánh cụ thể như thế này: vườn nhà mình mà ai cũng tự do ra vào, thu hái thì làm sao chấp nhận được, biên giới của một quốc gia cũng vậy, do đó khi làm việc hoặc thăm hỏi ai có liên quan đến khu vực biên giới phải có đầy đủ giấy tờ. Nói vậy thôi mà ai cũng tâm phục, khẩu phục rồi nhất nhất chấp hành nghiêm chỉnh, 4 năm nay trong buôn không có người nào vi phạm quy chế biên giới. Còn trong công tác hòa giải, Y Thưng áp dụng cả 3 hình thức là: tình cảm, luật tục và đi tòa; tùy vào mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý thỏa đáng. Y Thưng cười: “Đôi khi chỉ cần áp dụng luật tục, phạt người vi phạm một con gà, con heo là mọi chuyện êm xuôi, bà con ai cũng vui vẻ…”. Với cách giải quyết công bằng, hợp lý, hợp tình nên Y Thưng rất được lòng người trong buôn. Nói về chuyện tìm đường đến “con chữ”, gia đình Y Thưng cũng là tấm gương tiêu biểu: các con ông đều học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Bản thân Y Thưng vẫn nhớ mãi lời của ama trước khi về với ông bà đã dặn lại: “Của cải ăn rồi cũng sẽ hết. Chỉ có học chữ là lâu dài”. Lấy điều này vận dụng vào việc tuyên truyền, vận động mọi người chăm lo đến chuyện học hành của con em mình, ông thường tâm sự cùng bà con nếu cứ dựa mãi vào rừng thì vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ chẳng hết; chỉ có học cái chữ lấy kiến thức mới là tài sản vô giá và là của mình mãi mãi….
Đàm Thuần – Lan Anh
Ý kiến bạn đọc