Về Hòa Sơn, xem người Mường đón Tết
Khi những cơn gió lạnh thổi về mang theo một chút nắng dịu, dã quỳ trổ bông vàng óng trên các triền đồi, dọc con đường dẫn lối vào vườn cà phê, cao su xanh ngút ngàn, người Mường ở Hòa Sơn (huyện Krông Bông) lại tất bật chuẩn bị cùng nhau đón thêm một cái Tết trên cao nguyên hùng vĩ. Những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết của người Mường nơi đây đã góp thêm một phong vị cho mùa Xuân Dak Lak càng thêm nồng…
Phong phú ẩm thực ngày Xuân
Từ đầu tháng 10 âm lịch, người Mường đã chuẩn bị cho Tết. Trước tiên là ủ rượu cẩm - thứ không thể thiếu trong nhà vào mỗi dịp Xuân về. Nhiều gia đình ở đây vẫn còn giữ bí quyết nấu rượu cẩm theo lối cổ và dùng để đãi khách những ngày Tết. Rượu cẩm được làm từ lúa cẩm, ủ men. Vò rượu cẩm nơi này làm ra có vị thơm ngon đặc trưng, nồng say, thổ lộ hết niềm hiếu khách của gia chủ và càng để lâu càng thơm ngon. Bên cạnh rượu cẩm, rượu cần (rạo tóong) cũng là thứ nước uống không thể thiếu trong dịp Tết. Đây là loại rượu được làm từ gạo nếp mới, ủ với men lá - một loại men độc đáo làm từ vỏ cây mun, củ riềng, lá ổi… trộn với nhau và ủ ít nhất một tháng, tạo nên vị thơm ngọt và cay nồng của rượu. Không khí Tết bắt đầu rộn rã hơn từ sau ngày 23 tháng Chạp, nhà cửa được các gia đình dọn dẹp sạch sẽ, đàn ông chẻ lạt, rọc lá, đàn bà xay nếp, nhào bột làm ra những loại bánh truyền thống của dân tộc. Ngoài bánh chưng và bánh đòn - loại bánh nhân đỗ, gạo nếp, gói bằng lá dong rừng, giống bánh tét của người Kinh nhưng ngắn hơn - thì mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu bánh uôi (pẻng ui), bánh trôi khô (pẻng trôi), bánh lá gai (pẻng cai)… Tất cả đều làm từ bột nếp, tùy mỗi cách nhào bột, chế biến và làm nhân: mặn hoặc ngọt mà mỗi loại bánh có một hương vị đặc trưng khác nhau. Bà Bùi Thị Huyền (thôn 6) cho hay: Trong việc chế biến các loại ẩm thực thì người Mường thích món hấp hơn cả. Vì vậy, các món ăn ngày Tết hầu hết đều được chế biến đơn giản và dùng cách hấp để làm chín thức ăn. Các loại bánh ngày Tết (trừ bánh chưng và bánh đòn) đều được cho vào một cái cuốp (dụng cụ đựng bánh, làm từ thân cây gại khoét rỗng bên trong, dưới đáy đục một lỗ rộng và đặt một lớp vỉ bằng tre đan để bánh không rơi xuống khi nấu) rồi đặt lên riếng (một loại nồi hông) để hông. Theo quan niệm của người Mường, riếng không đơn thuần là dụng cụ để hấp thức ăn mà còn liên quan đến sự may mắn, sức khỏe của cả gia đình. Việc chọn mua hoặc tự chặt cây về đẽo ra riếng đều do người đàn ông trong gia đình đảm nhận. Mọoc cũng là một món ăn đặc trưng cho ngày Tết. Món mọoc khá đặc biệt không chỉ với tên gọi của nó mà ngay cả trong cách chế biến. Được làm từ các nguyên liệu: mộc nhĩ, miến, thịt bằm nhuyễn, trứng… tất cả ướp gia vị, trộn đều với nhau rồi cho vào những cái chén nhỏ mang hông lên. Bên cạnh những món bánh, nhiều gia đình còn chuẩn bị các món ăn như: sườn nướng (sườn heo gói lá bưởi, kẹp xiên que rồi nướng), canh lọong (được nấu từ nước thịt luộc với nõn chuối xắt mỏng, rắc ít lá lốt), thịt lợn luộc bày lá chuối, măng chua nấu thịt gà… Hương Xuân như đến gần hơn khi trước hiên nhà, những cô gái với bộ váy đen, áo pắn truyền thống duyên dáng, đưa đôi tay mềm mại trong điệu múa sênh tiền uốn lượn, ru vào lòng người những thanh âm trong trẻo của xứ Mường đắm say. Họ đang gấp rút tập luyện, chuẩn bị cho mùa khai hội của dân tộc mình vào đầu năm mới.
Người Mường đến định cư ở Hòa Sơn từ sau năm 1975, chủ yếu tập trung ở thôn 6 với 105/157 hộ gồm 528 khẩu. Những vò rượu cẩm ngất ngây men say, vị rượu cần còn đọng lại nơi đầu lưỡi, điệu múa sênh tiền uyển chuyển, các món ẩm thực phong phú với nhiều nét nguyên sơ, độc đáo trong cách chế biến … đã làm cho ngày Tết của người Mường trên vùng đất mới (huyện Krông Bông) trở về đúng với phong vị của quê hương.
Phụ nữ Mường cùng nhau gói các loại bánh truyền thống đón xuân về |
Giữ nét văn hóa độc đáo
Bên cạnh sự phong phú về ẩm thực, người Mường nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo, thể hiện những nét đẹp ngày Xuân của dân tộc mình. Sau ngày 25 Tết, tất cả nông cụ được các gia đình đem ra cọ rửa sạch sẽ, xếp gọn nơi gác bếp. Người Mường quan niệm, sau một năm lao động vất vả cùng con người, Tết đến cũng là lúc để cho các nông cụ nghỉ ngơi. Ngày Xuân đến gần, một thành viên trong gia đình sẽ mang cặp bánh uôi ra treo trên các nông cụ, chuồng bò, gà, vịt… hàm ý cảm ơn và mời các con vật, công cụ sản xuất đã giúp con người làm ra thóc lúa ăn Tết cùng với chủ nhà. Một việc làm ý nghĩa không thể thiếu, thể hiện sự hiếu đạo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, nhất là những người con đi làm ăn xa lâu ngày, Tết trở về sum họp cùng gia đình là đi tảo mộ.
Cũng như nhiều dân tộc khác, 29 Tết, không khí Xuân đã cận kề hơn thì các gia đình người Mường bắt đầu trồng một cây nêu lớn trước nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và cho biết rằng đây là phần đất của mình. Ngoài ra, cây nêu cũng được dựng bên giếng nước, cửa chuồng trâu, bò, gà, vịt… của các gia đình.
Đến định cư ở vùng đất mới nhưng nhiều gia đình ở Hòa Sơn vẫn còn giữ tập tục lấy nước giếng vào sáng đầu năm về vẩy trong nhà, cầu mong năm mới may mắn, an lành. Vui chơi thỏa sức trong những ngày Tết nhưng người Mường ở xã Hòa Sơn thực sự bước vào mùa hội khi Lễ khai hạ (lễ hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Mường) chính thức được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết. Khai hạ bao giờ cũng là lễ hội được trông chờ nhất trong năm. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính các vị thần linh, cầu cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, mọi vật sinh sôi tươi tốt.
Xuân về cùng với nhiều dân tộc anh em chung sống, bản Mường ở Hòa Sơn lại vang lên những âm thanh trong trẻo của điệu múa sênh tiền uyển chuyển; gái, trai tay trong tay xúng xính bộ váy đen, áo pắn duyên dáng, hòa vào dòng người nô nức đi khai hội góp thêm một sắc Xuân cho Tây Nguyên, cùng nhau đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương ấm no, tươi đẹp…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc