Multimedia Đọc Báo in

Huyện Đoàn M’Drak: Nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ thanh niên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

09:44, 13/03/2012

Trong những năm qua, phong trào “Thanh niên xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế- xã hội” của tuổi trẻ huyện M’Drak đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi.  Hiện nay, trên địa bàn huyện M’Drak có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao do đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Xác định tầm quan trọng của hai phong trào: “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, Huyện Đoàn M’Drak đã chủ động tham mưu với chính quyền, ban ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể các cấp đứng ra tín chấp vay vốn, tổ chức các lớp học đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trang bị những kiến thức bổ ích giúp thanh niên vận dụng trên chính mảnh đất quê hương. Tổ chức Đoàn đã vận động ĐVTN đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi theo mô hình V-A-C…  Ngoài ra, còn tổ chức cho các ĐVTN đi tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao trong và ngoài huyện để học tập kinh nghiệm, nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Những việc làm thiết thực đó đã giúp thanh niên vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế làm giàu chính đáng.

Anh Nguyễn Viết Thành là một điển hình vượt khó làm giàu ở thôn 4, xã Ea Pil (M’Drak). Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Huyện Đoàn M’Drak, anh Thành đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng mô hình kinh tế V-A-C với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, lấy lợi nhuận trước mắt đầu tư xây dựng mô hình lớn hơn về quy mô, chất lượng và hiệu quả cao. Qua hơn 6 năm lập nghiệp (2005-2011), nhờ biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Thành đã xây dựng được mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với tổng diện tích trên 13 ha; trong đó có 4 ha trồng mía, 2 ha trồng màu và 7 ha trồng rừng (năm thứ 5)… cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình anh Thành ngày càng ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh còn tạo công ăn việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên và từ 20-30 lao động thời vụ ở địa phương. Nhờ làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Viết Thành đã vinh dự là một trong 100 đoàn viên tiêu biểu toàn quốc được trao Giải thưởng Lương Đình Của- phần thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2010. Cũng như anh Thành, anh Y Wít Ayun ở buôn Thi, xã Ea Trang đã nỗ lực hết mình với quyết tâm làm giàu. Vừa chăm chỉ khai hoang đồi núi, trồng cây, nuôi gà, lợn, vừa chịu khó tham dự các lớp tập huấn KHKT do Huyện Đoàn  tổ chức để áp dụng vào sản xuất, từ chỗ không có đất sản xuất, đến nay anh Y Wít Ayun đã có trên 8 ha đất trang trại, trong đó có 5 ha  trồng keo, 2 ha mía, 1 ha sắn… Với mô hình kinh tế tổng hợp đó, sau khi trừ mọi chi phí gia đình anh lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ có anh Thành, Y Wít, trên địa bàn huyện M’Drak còn rất nhiều những tấm gương thanh niên lao động sản xuất giỏi, trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào “Thanh niên xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội” như: anh Hoàng Văn Cường, anh Lâm Văn Khôi, anh Đặng Ngọc Thắng…

Những mô hình kinh tế hiệu quả cao đã khẳng định ý chí dám nghĩ, dám làm, sự năng động và hiệu quả trong việc khai thác quỹ đất, lao động, nguồn vốn để vươn lên làm giàu của tuổi trẻ M’Drak. Bên cạnh việc hỗ trợ thanh niên vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, Huyện Đoàn M’Drak còn vận động ĐVTN tham gia đảm nhận thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, đơn vị để cổ vũ, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc