Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông: Chuyện không dễ!

05:02, 09/03/2012

Ngày 1-1-2012 Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông có hiệu lực. Theo đó, ngoại trừ bao bì đóng gói hàng hóa sẵn và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định), thì tất cả các loại túi ni lông còn lại sẽ chịu mức thuế từ 30.000-50.000 đồng/kg nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường.  Tuy nhiên, sau gần 2 tháng bị áp thuế, giải pháp hạn chế sử dụng sản phẩm khó phân hủy, gây tác hại cho môi trường này vẫn chưa có gì chuyển biến.

Thói quen khó bỏ...

Sau một thời gian tăng giá, hiện túi ni lông đã về mức 45 - 55.000 đồng/kg (tùy loại). Dẫu như vậy cũng là khá cao so với những ngày đầu Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông có hiệu lực (35-40.000 đồng/ kg), nhưng tại các chợ, cửa hàng vẫn sử dụng rất phổ biến vì chưa tìm được loại khác thay thế. Sự tiện dụng, giá thành rẻ, bền khiến loại túi này vẫn gia tăng mức tiêu thụ dù đã bị áp thuế 100%. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đa số người mua, người bán đều sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa. Hầu hết họ đều đến chợ bằng… tay không và xách về lỉnh kỉnh đồ đạc, thực phẩm đựng trong những chiếc túi ni lông đủ màu. Theo chị Hạnh, chủ cửa hàng cung cấp túi ni lông ở chợ Tân Thành, trước Tết Nguyên đán giá túi ni lông tăng lên gấp đôi, khoảng 65 đến 80.000 đồng/kg, nhưng số tiểu thương mua túi vẫn không giảm, trung bình một ngày chị bán từ 5 đến 7 kg. Thậm chí, nhiều người còn có xu hướng mua túi ni lông với số lượng lớn để tích trữ trong trường hợp giá sẽ bị đẩy lên cao. Theo những người đi chợ, dù biết túi ni lông có thể gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu không dùng thì biết lấy gì để đựng hàng vừa mua? Với những loại thực phẩm như rau, cá, thịt, đồ gia dụng… thì phải đựng riêng vào từng túi vì vừa hạn chế được mùi vừa dễ dàng treo, móc trên xe máy.

Có lẽ ai cũng thấy, việc sử dụng túi ni lông là một thói quen với mỗi cá nhân và gia đình. Thế nhưng ít ai biết rằng, túi ni lông là mối nguy hại lớn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở điều kiện bình thường, cần đến 400 năm túi ni lông mới phân hủy hoàn toàn. Tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên như thế, túi ni lông có thể sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, ngăn chặn quá trình thẩm thấu của nước trong tự nhiên, cản trở sự phát triển của cây cỏ dẫn đến tình trạng xói mòn tại các vùng đồi núi… Đó là chưa kể tới khói của túi ni lông khi đốt cháy sẽ tạo ra chất dioxin gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ. Túi ni lông còn khiến thực phẩm nhiễm chì, ca-đi-min gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi... Trong khi đó, trung bình một ngày, một người tiêu dùng rời khỏi chợ sẽ mang về nhà cả chục chiếc túi lớn, nhỏ, từ đó một lượng lớn túi thải ra như hiện nay, hiểm họa từ loại bao bì này là không hề nhỏ đối với môi trường. Tác hại của túi ni lông được nhiều người biết, nhưng do tiện lợi nên lượng người sử dụng sản phẩm này không hề giảm.


Việc sử dụng túi ni lông đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều NTD.

Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất bao bì cũng như đại lý phân phối. Chủ trương hạn chế sử dụng dần sản phẩm này là điều cần thiết. Khi áp dụng thuế, giá túi ni lông tăng cao, nhưng việc sử dụng loại sản phẩm này trong sinh hoạt thường ngày đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân. Mặc dù, hiện nay, có nhiều loại túi thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên những loại túi này hầu như không phải là giải pháp khả thi đối với các chợ hay cửa hàng bán lẻ, mà nó chỉ phù hợp cho các trung tâm thương mại, siêu thị. Túi vải có mẫu mã đẹp, bền, có thể sử dụng nhiều lần nhưng giá thành khá cao và khách hàng thường phải bỏ tiền để mua. Tại chợ đầu mối Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) và một số chợ dân sinh khác, khi được hỏi về túi ni lông tự hủy thân thiện với môi trường, nhiều tiểu thương thừa nhận có nghe nói đến nhưng chưa sử dụng vì giá thành cao hơn các loại thông thường khác. Trong khi đó, một chủ cửa hàng kinh doanh túi ni lông ở chợ Tân Thành “tiết lộ”, túi ni lông bán ra hiện có loại 1 và loại 2, giá chênh lệnh nhau 10.000 đồng/kg. Loại 2 (chất lượng kém hơn, thậm chí khi ngửi có mùi khó chịu) vẫn được các tiểu thương bán lẻ mua nhiều nhất, đặc biệt tiêu thụ rất mạnh từ sau đợt tăng giá vừa qua, chỉ một số cửa hàng kinh doanh lớn để giữ uy tín với khách nên vẫn chọn mua bao bì loại 1 đựng hàng. Tại siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, dù chưa chính thức đưa vào sử dụng túi ni lông tự hủy, nhưng cũng đã vận động nhân viên và khách hàng tiết kiệm bằng hình thức sử dụng túi ni lông nhiều lần. Về lâu dài, siêu thị sẽ lên kế hoạch chuyển đổi từ túi ni lông thông thường sang túi ni lông tự hủy thân thiện với môi trường…

Thiết nghĩ, để thay đổi một thói quen trong sinh hoạt thường ngày của người dân không phải là dễ dàng, nhanh chóng mà cần có một lộ trình nhất định, bởi  việc sử dụng tiết kiệm dẫn đến giảm dần túi ni lông hoặc thay thế bằng túi ni lông tự hủy xuất phát từ ý thức tiêu dùng của mỗi người. Muốn vậy, cần phải có một loại túi nào đó để thay thế, mà điều cốt yếu là giá thành phải rẻ và tiện dụng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi ni lông thông thường; vận động người tiêu dùng nói không với túi ni lông để bảo vệ chính mình và môi trường sống xung quanh.

Thúy Hồng – Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc