Những phụ nữ mưu sinh bằng… “nghề chăm sóc” mộ phần
Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột với những ngôi mộ nằm san sát trải dài trên một khu vực rộng lớn. Ở đây có những phụ nữ đã bao năm mưu sinh bằng “nghề” chăm sóc mộ phần cho những người quá cố. Họ trông coi, hương khói giúp những gia đình người thân của mộ phần có nhà ở xa nghĩa trang.
Chăm sóc mộ phần người đã khuất tại Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột. |
Chẳng nằm trong danh sách bất cứ một ngành nghề nào, nhưng lâu nay việc quét dọn, chăm sóc các phần mộ đã trở thành một nghề mưu sinh của nhiều phụ nữ sống chung quanh khu vực nghĩa trang này. Đồ nghề của họ thật đơn giản, chỉ có xô, chổi, ít giẻ lau. Chị H – người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề cho hay: quen rồi thành ra làm cũng chẳng có gì vất vả, chỉ là lau chùi, quét dọn sao cho các phần mộ luôn sạch sẽ, khang trang. Công việc của chị thường bắt đầu đầu từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ ngơi cơm nước xong đến 2 giờ chiều lại bắt đầu công việc cho đến khi trời tắt nắng. Chị kể: lúc đầu mới vào đây làm, do chưa quen việc, ngày nào cũng xách xô nước đi từ chỗ này sang chỗ khác, cả mấy chục ngôi mộ như thế nên tối về ê ẩm khắp người; cộng với nỗi ám ảnh về không gian u tịch ở khu nghĩa trang vốn lạnh lẽo, nhiều đêm về nhà nằm nhớ lại, không dám ngủ. Đó là chưa kể, dịp lễ, giỗ, người thân đi viếng mộ nhiều, buổi chiều chị và đồng nghiệp phải bắt tay vào việc sớm hơn và ra về khi trời đã chập choạng tối. Lúc đó, nghĩa trang như mênh mông thêm, nhìn bốn phía đâu cũng thấy toàn là mộ, nhiều khi cũng rùng mình...
Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột có đến cả nghìn ngôi mộ, nhìn từ xa như một “ma trận nóc nhà” nhấp nhô, nếu không có trí nhớ tốt, thân nhân thật khó tìm đúng phần mộ người nhà của mình nằm ở vị trí nào. Vậy mà, chỉ cần nói ra một cái tên trên bia mộ hoặc một vài thông tin ít ỏi về năm sinh, địa chỉ cư ngụ trước đây của người quá cố, những người phụ nữ như chị H. sẽ biết chính xác ngay phần mộ đó nằm ở lô nào! Hiện nghĩa trang có trên 30 người làm nghề như chị H, hầu hết là phụ nữ, trẻ có, già có. Họ nhận khoán việc chăm sóc các phần mộ theo tháng hoặc năm tùy theo yêu cầu của thân nhân người quá cố. Trung bình một người ở đây nhận trên 40 phần mộ, tiền công tùy khách trả sao lấy vậy, thường thì từ 30 đến 50 ngàn đồng/tháng, có nhà trả tiền trước cả năm, có nhà cuối năm mới trả. “Dịch vụ” chăm sóc cho người thiên cổ những năm gần đây trở nên phổ biến ở Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột; hầu hết những ngôi mộ ở đây đều nhờ đến bàn tay của những người phụ nữ này chăm sóc, lau chùi, dọn dẹp hằng ngày, cũng như hương khói, hoa, lễ cúng vào những dịp lễ, rằm.
Đến viếng nghĩa trang vào đúng ngày rằm, xế chiều, nắng tắt dần, đưa mắt nhìn chung quanh, lẩn khuất trong những dãy mộ nhấp nhô luôn có bóng dáng một vài phụ nữ với xô, chậu lom khom lau chùi, nhổ cỏ. Ngồi tựa lưng vào tường một ngôi mộ, quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị A- một trong những phụ nữ làm “nghề chăm sóc” mộ từ khi nghĩa trang mới thành lập - kể cho tôi nghe về những buồn vui trong nghề. Theo chị, công việc liên quan đến người đã khuất thường khiến cho người ta nghĩ đến tâm linh, bởi thế, nếu không làm tốt thì linh hồn người quá cố sẽ không hài lòng! Ban đầu, chị nghĩ đơn giản, đây chỉ là một nghề mưu sinh, có làm thì được trả tiền công như mọi nghề khác, nhưng công việc này lại “phục vụ” cho “ngôi nhà” người đã yên giấc nghìn thu nên chị không dám đòi hỏi, tùy lòng hảo tâm, thân nhân của người quá cố trả bao nhiêu, nhận bấy nhiêu. Dù không ai quản lý, đôn đốc, nhưng lúc nào chị cũng tự giác chăm sóc, khói hương chu đáo cho các phần mộ như người thân của mình. Quanh năm suốt tháng quanh quẩn bên những hàng mộ, đôi lúc cũng thấy buồn tẻ, nhưng làm nghề này, những phụ nữ như các chị lại biết nhiều câu chuyện liên quan đến lẽ đời, thấu hiểu cái tình mà khi người thân mất đi, người ở lại trên cõi nhân gian mới biết trân trọng. “Có người tóc đã nhuốm bạc, đến thăm mộ con cháu, trĩu lòng trước cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”, họ ngồi trò chuyện suốt mấy giờ liền với nấm mộ vô tri rồi lặng lẽ ra về; hay có khi nhìn cảnh người con đi xa lâu ngày ghé về thăm phần mộ của cha mẹ, thắp nén nhang rồi bật khóc tức tưởi… hình như anh ta có điều gì đó ăn năn muộn màng, đến khi kịp nhận ra lỗi lầm của mình gây ra trước đây thì đấng sinh thành đã khuất núi… Mặc dù chứng kiến cảnh đó nhiều năm rồi nhưng lòng vẫn không kìm được xúc động”- chị A tâm sự. Ngoài những phần mộ được thân nhân người quá cố nhờ dọn dẹp, chăm sóc chu đáo, Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột cũng có không ít ngôi mộ lạnh lẽo, cô quạnh, quanh năm không có ai hương khói, sửa sang, nhất là vào những dịp lễ, tết, chị A thỉnh thoảng tranh thủ ghé qua chăm sóc để linh hồn người nơi chín suối được an ủi phần nào.
Suốt ngày cặm cụi trong cuộc mưu sinh cạnh những ngôi mộ, chăm sóc, lau chùi “nhà cửa” cho người thiên cổ, những người phụ nữ như các chị cũng làm cho thân nhân họ hàng của người đã khuất cảm thấy yên lòng hơn.
Thu Lan
Ý kiến bạn đọc