Thêm nhiều chính sách mới hỗ trợ người khuyết tật
Nghị định 28 của Chính phủ vừa ban hành ngày 10-4-2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (NKT) đã cụ thể hóa nhiều chính sách mới hỗ trợ NKT cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Đây là cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Luật trong giai đoạn tới, là “cầu dẫn” để Luật NKT đi vào cuộc sống.
Người khuyết tật mong chờ Luật được thực thi
Theo số liệu thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, Dak Lak hiện có hơn 90.000 NKT (chiếm hơn 6% dân số). Trong đó, có hơn 25.000 người thuộc diện khuyết tật nặng đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội; gần 80% số NKT sống ở nông thôn, cuộc sống chủ yếu dựa vào gia đình; gần 40% thuộc diện hộ nghèo, chỉ có gần 10% thuộc diện hộ khá. Ngoài ra còn có 1.000 NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp diện chất độc hóa học; hơn 400 NKT đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Dạy nghề làm hoa voan cho người khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển và Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh. |
Thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước, các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội đã có nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe, đời sống, tinh thần đối với NKT. Tính từ năm 2005 đến nay toàn tỉnh có hơn 12.000 NKT được phục hồi chức năng; hơn 1.000 trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp hàng vạn lượt thẻ bảo hiểm y tế cho NKT; 1.000 NKT được cấp xe lăn và một số NKT được dạy nghề theo chính sách dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn…Bên cạnh đó, NKT còn được các đoàn thể, tổ chức xã hội hỗ trợ về nhà ở, phương tiện phục vụ cuộc sống…
Luật Người Khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 đã mở thêm nhiều cơ hội cho NKT; đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nhìn nhận, đánh giá về NKT, từ đó có những chính sách hợp lý; những chế độ, quyền lợi mà NKT được thụ hưởng tập trung vào quyền và nghĩa vụ NKT để làm thế nào giúp họ được sống bình đẳng và hòa nhập cộng đồng… Tuy nhiên, sau hơn một năm Luật có hiệu lực, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập vì thiếu Nghị định dưới Luật và Thông tư hướng dẫn chi tiết. Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Ea Sô (Ea Kar) có 3 con khuyết tật, trong đó có 2 con bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cứ đau đáu: “Nghe nói Luật NKT đã ban hành có chế độ cho người chăm sóc, nuôi dưỡng NKT mà sao hơn 1 năm rồi chúng tôi chưa được nhận, nếu được thì nhận bao nhiêu?” Hay như chị Hoàng Thị Hòa, NKT ở Buôn Ma Thuột thắc mắc: “Luật NTK quy định miễn, giảm giá vé, dịch vụ giao thông công cộng sao chưa thực hiện?”.
Người khuyết tật và trẻ mồ côi được nhận xe đạp, xe lăn nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam. |
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH H’Ni M’lô cho biết: mặc dù Luật NKT đã ra đời hơn 1 năm, nhưng hệ thống LĐTB&XH trong tỉnh vẫn thực hiện mọi chế độ, chính sách với NKT theo Nghị định 13 của Chính phủ được ban hành trước Luật (có hiệu lực từ ngày 13-4-2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67). Chính vì vậy, cán bộ ngành LĐ-TB&XH ở cấp cơ sở rất lúng túng và khó khăn trong việc giải đáp những thắc mắc của NKT về quyền lợi, chính sách mà Luật đã ban hành.
Nghị định 28 “dẫn” Luật đi vào cuộc sống
Nghị định 28 của Chính phủ vừa ban hành ngày 10-4-2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT đã cụ thể hóa nhiều chính sách mới hỗ trợ NKT cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Chính sách bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) vui mừng nói: “Đây chính là “bảo bối” để chúng tôi thực hiện chế độ, chính sách bảo trợ cho NKT đúng đối tượng và đúng Luật. Triển khai thực hiện Nghị định 28 cũng là nhiệm vụ chủ yếu của ngành đối với NKT trong năm 2012”. Ở Luật NKT chỉ quy định chung chung 6 dạng khuyết tật như: dạng vận động, dạng nghe nói, dạng nhìn, dạng thần kinh, dạng trí tuệ và dạng các khuyết tật khác. Đồng thời phân chia NKT ở 3 mức độ: đặc biệt nặng (không có khả năng tự phục vụ); nặng (chỉ tự phục vụ nhưng không có khả năng lao động) và nhẹ. Nhưng ở Nghị định thì quy định cụ thể từng dạng và từng mức độ khuyết tật, ví dụ như: “Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển”… Từ đó cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phân dạng từng mức độ khuyết tật để có chính sách hỗ trợ hợp lý cho NKT.
Ở chương “Việc làm cho NKT”, Nghị định quy định rõ NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với NKT; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra còn được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định...
Ở các Điều từ 11 đến 14 của Luật về miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ, thực hiện lộ trình cải tạo công trình công cộng, phương tiện giao thông tiếp cận đã được Nghị định cụ thể hóa từng chi tiết như: NKT nặng hoặc đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt; được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau: Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay; giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định. NKT đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau: Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm; nhà hát, rạp chiếu phim; các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác… Nghị định cũng yêu cầu đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là NKT lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện, phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả khách ở những nơi dễ thấy. Cũng theo Nghị định, đến năm 2015 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT, tỷ lệ này đến năm 2017 là 75% và đến ngày 1-1-2020 là 100%.
Nghị định 28 cũng quy định rõ về chế độ bảo trợ xã hội đối với từng trường hợp mức độ và dạng tật. Đồng thời cụ thể hóa chế độ đối người chăm sóc, nuôi dưỡng NKT; các cơ sở bảo trợ chăm sóc, nuôi dưỡng NKT… và hồ sơ, thủ tục đề nghị được trợ cấp xã hội…
Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống và NKT được bảo đảm các quyền lợi của mình cũng như có cơ hội hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng xã hội…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc