Hòa Đông với điểm nhấn trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) chọn giao thông nông thôn (GTNT) là điểm nhấn.
Thi công đường vào buôn Tara (xã Hòa Đông). |
Xã Hòa Đông cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột 12km, có quốc lộ 26 chạy qua rất thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những năm qua, do hạn chế về hệ thống GTNT nên đã kìm hãm nhiều cơ hội phát triển của địa phương. Được biết, toàn xã hiện có gần 165km đường GTNT, trong đó mới nhựa hóa được trên 9km (chiếm tỷ lệ 5,6%); đường bê tông 0,5km (0,3%); đường cấp phối đá dăm 0,3km (0,1%), còn lại là đường đất gần 155km (gần 94%). Chưa kể, tỷ lệ đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn kỹ thuật (Bộ GTVT) ở địa bàn xã chưa có; đường nội đồng được cứng hóa để phục vụ sản xuất là 0%; tiêu chuẩn đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa chỉ đạt tỷ lệ 2%... GTNT kém phát triển chính là cản trở lớn nhất đến mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây, như bà Mai Thị Nga, Trưởng thôn Hòa Nam cho hay, đường từ Hòa Nam ra trung tâm xã dài gần 5km, người dân trong thôn thường gọi đây là “con đường mưa lầy, nắng bụi”, bởi khi mưa đến, các cháu học sinh phải dậy từ 5 giờ sáng, cầm đèn pin đi bộ đến trường, những cháu nhỏ, phụ huynh phải dùng xe công nông đưa đi học. Trong khi đó, giao thông nội đồng trong thôn cũng không khá hơn, phải thường xuyên đánh vật với đường mới vận chuyển được phân bón ra ruộng và nông sản về nhà. Chính vì những lý do đó, số hộ cư trú tại thôn cũng ngày càng giảm dần, chẳng hạn năm 2009, thôn có 76 hộ, đến cuối năm 2011 chỉ còn 48 hộ. Ông Nguyễn Viết Tư, thôn Hòa Thắng cho biết, trước đây gia đình ông sống tại thôn Hòa Nam, nhưng do đường đi lại khó khăn, nhất là việc đưa đón 4 đứa con đi học mất nhiều thời gian nên gia đình phải bán nương rẫy để mua một mảnh đất ở gần trường học cho thuận tiện. Không có điều kiện như hộ ông Tư, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Tình phải chấp nhận gửi 3 người con cho ông bà ở tận Nghệ An để các con tiện việc học hành. Anh chia sẻ, việc gửi con ở ngoài quê là bất đắc dĩ, chứ con cái xa cha mẹ cũng nhớ lắm. Năm nay, khi xã có chủ trương nâng cấp tuyến đường từ thôn ra trung tâm xã nên vợ chồng anh mới đưa các con vào đây.
Trước thực trạng đó, chủ trương làm đường GTNT được UBND xã Hòa Đông thực hiện với quyết tâm cao, mọi vấn đề liên quan đến xây dựng đường đều được đưa ra tập thể bàn bạc công khai, dân chủ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay từ đầu năm 2012, Hòa Đông đã trích hơn 300 triệu đồng vốn ngân sách để nâng cấp 14km đường tại các buôn Ea Kmat, Tara, Puôr và thôn Hòa Nam. Riêng thôn Hòa Nam, phấn khởi trước con đường mới được nâng cấp rộng rãi, thẳng tắp, ông Nguyễn Đức Huệ ở thôn này cho biết, khi xã có chủ trương làm đường giao thông, gia đình ông tự nguyện tháo dỡ bờ tường kiên cố để hiến đất làm đường, ông còn khuyến khích mọi thành viên trong gia đình đóng góp ngày công để tuyến đường sớm hoàn thành. Được biết, đến nay đoạn đường dài gần 5km từ thôn Hòa Nam ra trung tâm xã đã được nâng cấp hoàn chỉnh, mặt đường rộng 6m, có rãnh thoát nước 2 bên sâu 0,5m. Cùng với đó, xã Hòa Đông còn huy động trên 750 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện và các nguồn khác bê tông hóa tuyến đường vào nghĩa trang 3 buôn nói trên để thuận lợi cho người dân trong việc mai táng, thăm viếng mộ người thân. Mục tiêu của địa phương từ nay đến năm 2020 sẽ nhựa hóa gần 34km, trong đó đường liên huyện 8km, liên thôn 25,8km; bê tông hóa 38,5km đường giao thông nội đồng và nâng cấp một số tuyến đường liên thôn, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 215 tỷ đồng.
Khẳng định GTNT là điểm nhấn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông nhấn mạnh: địa phương sẽ tranh thủ nguồn vốn của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, đồng thời tích cực vận động người dân tham gia ngày công lao động trong phong trào GTNT, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc