Multimedia Đọc Báo in

Làng...khát nước sạch!

15:43, 04/05/2012

 

Gần 10 năm nay, người dân thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt, ăn uống, khiến cuộc sống của bà con khó khăn bội phần.


Hầu hết các hộ dân thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông)  đều phải sống trong cảnh đi xin nước ăn hằng ngày.
Hầu hết các hộ dân thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) đều phải sống trong cảnh đi xin nước ăn hằng ngày.

 

Thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền nằm cách thị trấn Krông K’mar chưa đầy 1 km, có địa hình dốc và cao hơn nhiều khu vực khác trong huyện, cư dân sinh sống tập trung với trên 100 hộ, phần lớn từ Quảng Nam, Quảng Ngãi lên định cư từ những năm 1980. Đời sống, kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với những loại cây trồng chính như lúa nước, ngô, mỳ và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân như rừng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề, khiến các mạch nước ngầm dần cạn kiệt; việc chặn dòng để xây dựng công trình thủy điện Krông K’mar năm 2008 đã biến suối Krông K’mar (đoạn chảy qua thôn 6 khoảng 3 km) chỉ còn là dòng chảy nhỏ (dòng suối này là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho bà con thôn 6 từ xưa đến nay), không đủ nước cung cấp cho bà con, nhất là trong mùa khô. Chưa hết, đoạn suối qua địa bàn thôn 6 nằm ở cuối dòng chảy nên trở thành điểm chứa chất phế thải từ chăn nuôi, xác súc vật chết… gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Anh Nguyễn Văn Trung, nhà ở phía đầu thôn bức xúc: do ở gần suối nên gia đình anh thường phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc mỗi khi có xác chết súc vật như gà, chó, mèo… vướng cành cây dạt vào bờ, nước không đủ lớn để đẩy xác đi nên anh thường phải vớt lên chôn để tránh ô nhiễm cho những hộ dân lân cận... Do những bất cập trên nên ở thôn 6 hầu như gia đình nào cũng có giếng đào, có hộ đào tới 2 - 3 giếng, nhưng không thể sử dụng được, vì mùa nắng thì cạn, mùa mưa nước lại đục ngầu. Anh Nguyễn Định Thu than thở: do địa hình của thôn cao, lại nằm trên triền đồi đá nên việc khoan giếng gần như rất khó thực hiện, gia đình anh phải dùng mìn hỗ trợ mới đào được 2 giếng, mỗi giếng sâu 30m. Trước đây, nước dùng trong sinh hoạt, nấu ăn thoải mái, nhưng nay phải dùng hạn chế, vì mùa mưa, múc nước lên phải dùng phèn để lắng cặn, hoặc dùng bể lọc nhưng cũng chỉ lọc được vài lượt lại phải vệ sinh bể lọc… qua nhiều công đoạn, rất nhiêu khê! Để có nước sinh hoạt, ăn uống hằng ngày trong mùa khô, vợ chồng anh Thu phải thay phiên nhau sang thôn bên cạnh xin từng thùng nước giếng về dùng. Anh Thu cho hay: gần như cả thôn hộ nào cũng phải đi xin nước ở các thôn khác nên rất phiền hà cho người đi xin lẫn người cho nước. Có gia đình nể lắm họ mới cho vài thùng, hôm sau anh lại phải chạy sang xin nhà khác! Hai vợ chồng anh mỗi tuần thay nhau cũng chỉ xin được khoảng 100 lít nước, cả gia đình 5 người phải dùng hết sức tiết kiệm cho ăn uống, còn tắm giặt thì phải đành dùng nước… kém vệ sinh.

Nước sinh hoạt đã vậy, nước dùng cho sản xuất nông nghiệp càng khốn đốn hơn. Giờ đây, cuộc sống của người dân thôn 6 chỉ còn trông chờ vào một vài loại cây trồng truyền thống ở khu vực thấp dọc triền sông, còn chăn nuôi thì dường như đã trở thành… chuyện xưa cũ. Đời sống khó khăn, kinh tế nông nghiệp bị co lại, cái nghèo vẫn đeo bám mãi với cuộc sống của người dân nơi đây, đến nay, số hộ nghèo và cận nghèo trong thôn 6 vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất xã, từ 60-70%. Chị Cao Thị Sinh cho biết: nhiều gia đình nuôi trâu bò, heo hiệu quả những năm trước đây, giờ cũng đành bỏ trống chuồng trại, có chăng bà con chỉ nuôi vài con gà, chó, mèo để tận dụng nguồn thức ăn thừa của gia đình cho đỡ uổng phí. Đó là chưa kể, do thiếu nước sạch nên đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trong thôn, nhất là với trẻ nhỏ và người già thường hay mắc một số bệnh như đau mắt đỏ, ghẻ ngứa, tiêu chảy…

Ông Trần Văn Sắc, Chủ tịch Hội nông dân xã Khuê Ngọc Điền cho biết: tình trạng thiếu nước sạch ở thôn 6 đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng do ngân sách địa phương hạn hẹp, đời sống kinh tế của bà con lại khó khăn nên không thể huy động sự đóng góp của dân để xây lắp đường ống dẫn nước sạch về thôn. Để khắc phục, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Bông tìm biện pháp phối hợp giải quyết, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Thiết nghĩ đã đến lúc các ban ngành, đoàn thể của huyện Krông Bông cần sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết việc thiếu nước sạch của người dân thôn 6. giúp bà con cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc