Mua hàng qua mạng: Tiện ích và rủi ro
Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin đã đem lại nhiều tiện ích cho con người, trong đó, có việc mua sắm. Khách hàng chỉ cần ngồi nhà thực hiện một cuộc điện thoại, hay đơn giản bằng một cái nhấp chuột là có thể mua được những món hàng ưng ý. Tuy nhiên, hình thức giao dịch này cũng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro…
Đầy rẫy shopping trên mạng
Việc mua hàng qua mạng ngày nay đã trở nên phổ biến với nhiều người. Các trang web rao vặt, mua bán online đầy rẫy trên mạng, chỉ cần vào google.com, gõ “Mua hàng online” trong vòng 0,28 giây đã cho ra 315 triệu kết quả. Vào các “chợ mạng online” như: www ebay.com, etsy.com, rongbay.com, muare.vn… có thể tìm thấy đủ chủng loại hàng hóa, từ những món đồ văn phòng phẩm có giá vài chục nghìn đồng đến bộ quần áo thời trang, trang sức, phụ kiện hàng ngoại đắt tiền, có giá đến hai, ba triệu đồng. Không chỉ có hàng thời trang, các “chợ” điện tử này cũng không thiếu những loại “hàng độc” như nước hoa ngoại, đĩa nhạc, mỹ phẩm, sách báo, thậm chí kiêm luôn cả giới thiệu việc làm qua mạng! Nếu có nhu cầu, đơn giản khách hàng chỉ cần thực hiện giao dịch (có số điện thoại kèm theo trong mỗi trang web) đặt hàng theo mã số ghi trên mỗi sản phẩm, trả tiền hàng cùng với phí vận chuyển (qua số tài khoản mà nhân viên bán hàng yêu cầu), địa chỉ là sẽ được nhận hàng tận nhà. Cũng có trường hợp người bán chỉ yêu cầu trả trước 70% giá tiền, khi nào nhận được hàng thì trả nốt số còn lại, nhưng phần lớn đều yêu cầu đưa trước 100%. Hàng hóa được bán qua mạng chủ yếu là của những chủ kinh doanh vừa và nhỏ, không đủ khả năng thuê mặt bằng, chi trả thuế, điện, nước, thuê nhân viên… Vì thế hàng trên mạng thường rẻ hơn giá thị trường từ 10 - 25% nên thu hút đông đảo người mua. Tuy nhiên, cũng giống như ngoài thị trường, các shop trên “chợ mạng online” cũng muôn hình vạn trạng về giá cả, cũng có trường hợp cùng một mặt hàng giống nhau nhưng mỗi nơi lại ra giá bán khác nhau, có khi chênh lệch từ 30-50.000 đồng/sản phẩm.
Mua hàng qua mạng ẩn chứa nhiều rủi ro. |
Bán hàng qua mạng được xem là một hình thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều khách hàng trong thời buổi hiện nay, nhất là đối với những bà nội trợ bận rộn việc nhà, giới công chức văn phòng không có nhiều thời gian rảnh rỗi để đến siêu thị hay các cửa hàng thời trang… Với ưu điểm nhanh gọn, thủ tục đơn giản, giao hàng tận nơi (chỉ sau vài ngày đặt hàng là đã có ngay sản phẩm cần mua sắm) nên có sức hút lớn đối với nhiều người. Tuy nhiên, điểm bất lợi của mua hàng qua mạng là khách hàng không thể nhìn thấy hay kiểm tra được món hàng mình chọn trước khi đặt lệnh mua, hoặc hiếm khi được đổi hoặc trả lại sản phẩm nếu không ưng ý.
Nhiều rủi ro
Tiện dụng và phổ biến nhưng không ít người mua hàng qua mạng đã bị lừa, chuyển tiền thật để rồi nhận được hàng giả! Thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng của Việt Nam chỉ mang tính rao vặt chứ chưa thật sự là mua bán online theo đúng nghĩa. Bởi bên cạnh những thương hiệu có tên tuổi dùng hình thức bán hàng trên mạng là nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giá cả để khách hàng tự do lựa chọn, nếu thấy ưng ý chọn mua thì trả tiền qua tài khoản ngân hàng và nhận hàng tận nhà; còn lại hầu hết những trang web bán hàng khác, cả người bán và người mua đều không hề có một sự ràng buộc hay kiểm soát nào. Chính vì thế, nên nguy cơ gặp phải rủi ro là không thể tránh khỏi mà thiệt hại thì luôn thuộc về khách hàng. Chị H (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột ) – một người mua hàng online - ấm ức kể, có lần, lướt web thấy một trang mua sắm online quảng cáo đang có đợt giảm giá nhiều mặt hàng, chị quyết định đặt mua lọ nước hoa Victoria’s secret màu hồng, giá 280.000 đồng (đã giảm 15%). Tưởng mua được hàng giá rẻ, ngờ đâu vài ngày sau chị phát hiện cũng lọ nước hoa đó, tại nhiều shop mỹ phẩm có tên tuổi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chỉ bán 235.000 đồng. Tương tự, dù đã có kinh nghiệm mua hàng nhưng chị D (phường Ea Tam) vẫn bị hớ. Vì tin lời quảng cáo trên mạng, chị đã đặt mua chiếc áo khoác màu xanh với giá 320.000 đồng, sau khi nhận hàng, chị mới tá hỏa vì sản phẩm mình có trên tay không giống như mô tả trên mạng. Chị D phàn nàn: “Khi đặt mua mình đã hỏi kỹ món hàng, trả lời qua điện thoại, cô nhân viên cứ bảo đảm hàng chất lượng tốt. Song trên thực tế, tuy hàng giao đúng hẹn nhưng màu sắc lại không như bức ảnh đã giới thiệu trên mạng, lại bị lỗi ở phần hông và eo. Hàng giao rồi, không có hóa đơn, giờ chẳng biết kêu ai!”.
Xu hướng mua hàng qua mạng trở nên phổ biến những năm gần đây, lượng khách hàng giao dịch bằng hình thức này thành công nhiều nhưng tình trạng chuyển tiền thật để nhận được hàng giả, kém chất lượng cũng không phải là ít. Khách hàng nên nhớ rằng không phải mua sắm qua mạng bao giờ cũng rẻ và trang web bán hàng nào cũng đáng tin cậy. Theo bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương thì: người tham gia mua bán trực tuyến cần lựa chọn địa chỉ website bán hàng có thương hiệu uy tín, có địa chỉ đăng ký và liên lạc rõ ràng, được cộng đồng người tiêu dùng đánh giá tốt. Cần tham khảo kỹ năng các điều khoản sử dụng website, chính sách mua hàng, thanh toán, vận chuyển cũng như chính sách hoàn trả, bảo hành, giải quyết khiếu nại, thắc mắc.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc