Nghề công tác xã hội: Thiếu mà thừa!
Công tác xã hội (CTXH) là một công việc đặc biệt tồn tại song hành và hỗ trợ đắc lực thực hiện các vấn đề an sinh xã hội, nhưng đến năm 2010 mới chính thức được Nhà nước công nhận là một nghề. Trên địa bàn tỉnh ta, nghề CTXH đang được các cơ quan chức năng quan tâm phát triển, nhưng vì là một nghề mới chưa có những chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ hợp lý, nên vẫn lúng túng với tình trạng thiếu mà thừa nguồn nhân lực!
Chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội: Yêu cầu bức thiết
Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, cả tỉnh hiện có khoảng 750.000 người (chiếm 43% dân số) cần được trợ giúp các dịch vụ xã hội. Đối tượng này đang có xu hướng gia tăng, đặt ra yêu cầu bức thiết về xây dựng đội ngũ làm CTXH chuyên nghiệp. Những năm qua, CTXH của tỉnh đã đạt những kết quả đáng kể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định an ninh - trật tự trên địa bàn. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo , đầu tư nguồn lực thực hiện các chương trình giảm nghèo, trợ cấp xã hội, phòng chống ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS, bạo hành phụ nữ và trẻ em…, bố trí, đào tạo cán bộ làm CTXH các cấp. Ngoài ra, còn triển khai nhiều biện pháp trợ giúp như tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp xã hội hằng tháng, tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh chăm sóc người khuyết tật. |
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động như: những biến đổi nhanh chóng về môi trường, kinh tế - xã hội; những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư từ nông thôn ra đô thị… làm tăng vọt những nguy cơ và số lượng người bị ảnh hưởng cần được giúp đỡ. Theo thống kê sơ bộ, trong số gần 750.000 người cần trợ giúp các dịch vụ xã hội có gần 100.000 người cao tuổi; hơn 15.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 90.000 người khuyết tật; hơn 500.000 người nghèo và cận nghèo; 25.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; 1.800 người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV… Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 35 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 110 xã có tệ nạn xã hội; nhiều hộ gia đình xảy ra bạo hành, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở các mức độ khác nhau và các vấn đề xã hội khác như: ly hôn, người tàn tật, người già và trẻ em bị bỏ rơi… Sự biến động số lượng ở mỗi nhóm đối tượng này rất khác nhau, hơn nữa nền kinh tế phát triển nhanh, nhiều vấn nạn xã hội nảy sinh và cần có những nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp giải quyết.
Thiếu mà... thừa!
“Cần khoảng 1.000 người làm nghề CTXH chuyên nghiệp ở các cấp” - Đó là một trong những chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020” của tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tháng 3-2011.
Trên thực tế, hiện nay toàn tỉnh mới có khoảng 630 người làm trong lĩnh vực CTXH, trong đó cấp tỉnh 15 người, cấp huyện 45 người, cấp xã 350 người và tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục lao động 220 người. So với đối tượng cần trợ giúp các dịch vụ xã hội thì lực lượng này còn thiếu về số lượng, đặc biệt là hầu hết chưa qua đào tạo đúng chuyên ngành hoặc làm trái ngành, trái nghề; chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, những nguyên tắc nền tảng, các phương pháp và kỹ năng trong khi tiếp cận, trợ giúp đối tượng nên hiệu quả trợ giúp chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu Đề án đặt ra là đến năm 2015 mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên nghề CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định là điều không đơn giản. Bởi theo kế hoạch thực hiện của Đề án, trong 8 năm nữa cần 1.000 cán bộ, nhân viên làm CTXH chuyên nghiệp, nghĩa là những cán bộ này phải có đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, đồng cảm, thương lượng, giải quyết mâu thuẫn, khai thác thông tin xâu chuỗi sự kiện, biện hộ cho nhu cầu của thân chủ; phát triển và tổ chức cộng đồng; vai trò của người cộng tác viên và tiến trình tổ chức cộng đồng... để có thể làm việc với tất cả các đối tượng cần trợ giúp.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Dak Lak đào tạo nghề CTXH. Thầy Trịnh Đức Long, Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn (Trường CĐSP Dak Lak) cho biết: Nắm bắt xu thế phát triển của xã hội, năm 2007 Trường đã mở ngành CTXH và mỗi năm học chiêu sinh 1 lớp từ 40 đến 50 sinh viên. Đến nay đã đào tạo 5 khóa và đã có 2 khóa tốt nghiệp, chất lượng đáp ứng khung đào tạo của Bộ GD-ĐT. Ngoài các giờ học lý thuyết theo khung đào tạo nhằm trang bị kiến thức cần thiết cho sinh viên, Trường tăng cường thời gian học phần rèn luyện kỹ năng nghề: kỹ năng phát triển cộng đồng, kỹ năng nhóm… tại các Trung tâm bảo trợ, các xã, phường trong tỉnh. Như vậy, nếu mỗi năm Trường CĐSP Dak Lak đào tạo chừng 50 sinh viên nghề CTXH thì 8 năm nữa cũng chỉ đáp ứng được gần ½ số cán bộ, nhân viên CTXH so với yêu cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng thiếu nhưng lại thừa người làm CTXH. Như trường hợp Võ Thị Minh ở xã Krông Buk, huyện Krông Pak tốt nghiệp khoa CTXH, Trường ĐH Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tháng 6 năm 2011. Sau gần một năm “gõ cửa” tìm việc tại một số trung tâm Bảo trợ, phòng LĐTB&XH và cả xã, phường trong tỉnh đều không có kết quả nên đành quay lại TP. Hồ Chí Minh tìm việc không đúng chuyên ngành. Hay như trường hợp Nguyễn Thị Hòa ở huyện Buôn Đôn, tốt nghiệp nghề CTXH Trường CĐSP Dak Lak gần 2 năm, đến nay vẫn thuê nhà ở Buôn Ma Thuột làm thuê nghề in ấn cho một cơ sở tư nhân sau khi đã tìm việc nhiều nơi mà không có kết quả… Theo điều tra sơ bộ cho thấy chỉ khoảng chừng ½ số sinh viên đào tạo chuyên ngành về CTXH ra trường làm đúng với nghề, còn lại đều đang làm những công việc đơn giản để mưu sinh. Ông Nguyễn Quang Trường, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: CTXH là một nghề mới nên chưa có những quy định rõ ràng về biên chế, chế độ cụ thể. Thực chất từ trước tới nay đây vẫn là công việc của những người làm công tác LĐTB&XH. Các phòng LĐTB&XH và các trung tâm Bảo trợ xã hội biên chế cán bộ, nhân viên hầu như đã đủ số lượng cho phép, riêng ở các xã, phường thì những cán bộ làm công tác LĐ, TB&XH dù chưa được đào tạo chuyên nghiệp đang kiêm luôn cả nghề CTXH, điều cần thiết là đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Trong năm 2011, Sở đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác LĐTB&XH ở 180 xã phường, trang bị những kiến thức về tiếp cận các đối tượng cần trợ giúp và những văn bản hiện hành, văn bản mới liên quan. Năm 2012 theo kế hoạch Sở sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng (tiếp cận với người khuyết tật, điều tra về người già…).
Thực ra, nghề CTXH được đào tạo chuyên nghiệp sẽ trang bị những kiến thức sâu rộng, và rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng về giao tiếp (nghe, đọc, nói, viết, thuyết phục… từng đối tượng); kỹ năng sống; kỹ năng truyền thông, vận động xã hội; kỹ năng làm việc (với cá nhân, cộng đồng, theo nhóm, với từng đối tượng, mà đối tượng cần trợ giúp thì có đến hàng chục dạng), rồi còn phải có kiến thức về luật pháp, cập nhật những văn bản quy định chế độ, chính sách cho từng đối tượng… Chính vì vậy người được đào tạo nghề CTXH có thể làm việc ở nhiều môi trường như cán bộ Đoàn, cán bộ Văn hóa - Xã hội; cán bộ các xã, phường; trong các ngành nghề như giáo dục, y tế… cũng đều cần có người làm CTXH. Xã hội càng phát triển thì nghề CTXH sẽ càng cần thiết và được trọng dụng. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có các chính sách cụ thể để nghề CTXH phát huy hiệu quả thực tế, chấm dứt tình trạng thiếu mà thừa người làm nghề CTXH chuyên nghiệp như hiện nay.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc