Những người lính đối diện với “thần chết”
Chỉ cần một sơ suất nhỏ là phải đánh đổi một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng, đó là công việc của những người lính công binh khi thực hiện công việc rà phá bom mìn vật nổ. Nhưng trong họ luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi được đối diện và vô hiệu hóa thành công những “thần chết” ẩn mặt sau chiến tranh này.
Đại đội công binh (BCHQS tỉnh) đang tiến hành thu dọn bom, mìn trên địa bàn huyện Krông Bông. |
Trong những ngày cuối tháng 4 này thật khó để liên lạc với những người lính thuộc Đại đội công binh, Phòng tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Bởi lẽ, họ thường xuyên lên đường thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là xây dựng công trình, cứu hộ cứu nạn và rà phá bom mìn vật nổ. May mắn chúng tôi được gặp anh Lê Trọng Tuyển, Chính trị viên đại đội công binh, khi đang tranh thủ về họp giao ban tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Anh cho biết, công việc rà phá bom mìn vật nổ của lính công binh thường xuyên đối diện với 2 tình huống: dò trên cạn và dò dưới mặt nước. Dò trên cạn có 2 phương pháp dò, đó là dò cạn và dò sâu. Dò cạn là dò từ mặt đất xuống sâu 30cm, còn dò sâu là dưới 5m. Khi đi dò cạn, nan giải nhất là người lính công binh xử lý “đối thủ” đạn M79, với các loại 18m và 21m; nguy hiểm ở chỗ nếu vô tình nhấc hoặc vô ý làm lệch hướng đạn M79, làm nó đủ vòng quay thì sẽ phát nổ ngay lập tức… Nguy hiểm hơn việc dò trên cạn chính là dò và rà phá bom mìn chìm sâu dưới nước. Do đặc điểm khúc xạ của mặt nước nên người chiến sĩ sẽ không quan sát và nhận biết trái bom nằm theo hướng nào bằng mắt thường được, cũng như rất khó để đào đất xung quanh trái bom rồi tiến hành xử lý. Ở những đơn vị chuyên về dò nước sâu, sẽ có đội thợ lặn chuyên trách việc rà phá bom mìn dưới nước. Nhưng với điều kiện của đại đội công binh, khi có tín hiệu bom mìn vật nổ nằm dưới mặt nước, người lính đều phải mò bằng tay, cảm nhận bom mìn vật nổ bằng xúc giác của mình để xác định vị trí và thực hiện các động tác vô hiệu hóa bom mìn vật nổ ngay dưới mặt nước. Cho dù là dò trên cạn hay dò dưới mặt nước, thì từng động tác của người lính công binh khi rà phá bom mìn vật nổ đều phải thật cẩn thận và chính xác đến từng chi tiết, bởi lẽ chỉ cần một sơ suất nhỏ, họ sẽ phải đánh đổi cả một phần thân thể thậm chí cả tính mạng của mình.
Vào quân ngũ năm 2005, tính đến nay anh Trần Mỹ Tính, Trung đội trưởng, Đại đội công binh (BCH Quân sự tỉnh) đã có gần 7 năm làm công tác dò mìn. Tuổi đời còn trẻ, sinh năm 1984, nhưng những hành trình đã qua luôn in dấu trong anh. Đó là hình ảnh về những hậu quả thương tâm mà bom mìn đã gây ra cho nhiều người dân vô tội; hình ảnh em bé ở nhà chơi đùa với bạn, hiếu động nghịch đùa những vật dụng vô hại nhưng rồi vô tình gõ trúng một quả bom còn sót lại để rồi không thể tìm thấy thi thể; đó là những người bị mất hoàn toàn khả năng lao động do vướng phải bom mìn vật nổ… Do đó, trong tâm niệm của những người lính công binh, cho dù có vất vả đến mấy cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Có những lúc những trái bom nằm sâu trong lòng đất mà máy dò cạn không thể phát tín hiệu, phải nhờ tới máy dò sâu mới phát hiện được những quả bom nằm sâu dưới lòng đất tới 2,5m, lúc đó, cho dù đã trễ nhưng họ, những người lính công binh vẫn quyết tâm giải quyết triệt để trái bom rồi mới yên tâm về đơn vị. Anh Tính tâm sự, trước khi được đi làm lính công binh, anh đã có một thời gian đi cất bốc mộ liệt sĩ bên Campuchia, những lúc như vậy, trong anh luôn trào dâng một niềm tự hào, sự biết ơn về những người đã ngã xuống cho độc lập của Tổ quốc, nên trong tâm khảm anh cảm thấy thực sự có ý nghĩa, tự hào khi được đóng góp một phần vào việc giải quyết bom mìn vật nổ, giảm nhẹ được những hậu quả của bom mìn để lại cho người dân.
Bằng chính tâm huyết đang chảy trong huyết quản của những lính công binh như anh Tuyển, anh Tính…, trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đại đội công binh đã xử lý an toàn hàng trăm tấn bom đạn các loại, giải phóng hàng nghìn ha đất đai phục vụ dân sinh, góp phần xây dựng kiến thiết tỉnh nhà, bảo đảm cuộc sống bình an cho nhân dân. Tuy nhiên bom mìn vật nổ vẫn còn nằm rải rác đâu đó trong lòng đất. Và trong tâm tư, nguyện vọng của những người lính công binh, là mong có những dự án để họ được thường xuyên lên đường, để xử lý bom mìn vật nổ, triệt tiêu mức độ nhiễm xạ của đất…, qua đó giải phóng đất đai để bà con yên tâm sản xuất, để không còn thấy những hậu quả thương tâm do bom mìn gây ra, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống. Đây chính là một phần tự hào, một phần trách nhiệm trong công việc của người lính công binh.
Đại đội công binh Dak Lak có tiền thân là đơn vị A60 được thành lập tại buôn Dliê Ya, suối Ea Dip (nay là huyện Krông Năng) vào tháng 7-1965. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội công binh Dak Lak đã được tặng thưởng: cấp đại đội 6 huân chương chiến công các loại, cấp trung đội được 4 huy chương, cá nhân được tặng hàng trăm huân chương cùng các danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng cơ giới, dũng sĩ quyết thắng.
Gia Thịnh
Ý kiến bạn đọc