Multimedia Đọc Báo in

Nước đá dùng liền: Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

08:12, 24/07/2012

Kỳ II:  Thị trường nước đá dùng liền:  Chất lượng bị thả nổi

Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có hàng chục tấn nước đá viên được các cơ sở sản xuất đưa ra thị trường. Thế nhưng chất lượng của sản phẩm thế nào, có bảo đảm VSATTP hay không lại là điều… chẳng mấy ai bận tâm. 

Nhộn nhịp kẻ bán, người mua

Trong không khí oi ả, nóng bức của những ngày hè, nhu cầu sử dụng nước đá tăng cao, từ khu vực thành phố, thị trấn đến những vùng thôn quê, nước đá viên đều “hút” khách. Như cơ sở sản xuất nước đá Dak Kuin (thôn 2, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho ra lò mỗi ngày gần 1 tấn đá viên,  2 tuần 3,6 tấn đá cây. Có mặt tại cơ sở chưa đầy 30 phút, chúng tôi thấy khách hàng mua sỉ và mua lẻ ra vào tấp nập. Anh Phan Nguyên Hồng Phong, nhân viên trực tiếp sản xuất của cơ sở cho biết, khách hàng chủ yếu là các quán cà phê, giải khát, cửa hàng tạp hóa và người dân trong vùng. Những ngày bình thường, cơ sở chạy 3 mẻ đá viên là đủ bán, nhưng khi có những đơn đặt hàng lớn của các đám tiệc thì phải chạy thêm 1-2 mẻ nữa.

Đá cây vẫn được nhiều chủ quán tạp hóa nhập về  bán lẻ cho dân ăn, uống.
Đá cây vẫn được nhiều chủ quán tạp hóa nhập về bán lẻ cho dân ăn, uống.

Cũng chính vì được coi là thứ giải nhiệt “tốc độ” nên những ngày này vào bất cứ quán nước nào từ quán cà phê sang trọng đến quán vỉa hè, mỗi ly nước của thực khách đều được người bán hàng cho vào một vài cục đá để “giải khát”. Khi hết đá, họ lập tức đi mua thêm tại các cơ sở sản xuất, thậm chí những hàng, quán lớn chỉ cần “alo” một tiếng là vài phút sau có người giao đá đến tận nơi. Cứ thế, mỗi ngày hoạt động mua bán nước đá phục vụ nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng diễn ra tấp nập, quán lớn thì tiêu thụ vài tạ đá, quán nhỏ cũng vài chục cân, chưa kể đến những quán tạp hóa lấy đá về bán lẻ, song đa số chủ hàng, quán đều không biết rõ loại nước đá mà họ đã và đang sử dụng được sản xuất từ đâu, chất lượng ra sao. Chị P. chủ một quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Trung bình mỗi ngày quán sử dụng khoảng 5 - 6 bao đá viên (trọng lượng 20kg/bao). Để bảo đảm VSATTP cho thực khách và giữ uy tín cho quán, mình đã chọn mua đá viên của cơ sở lớn. Nhìn bề ngoài thấy đá sạch sẽ và được đựng trong bao bì đàng hoàng thì mình lựa chọn, còn chất lượng như thế nào thì làm sao biết được!”. Cũng không bận tâm lắm về chất lượng nước đá đang dùng, một chủ quán nước mía vỉa hè trên đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Bây giờ có đá viên để bán hàng là chất lượng rồi, ngày xưa chúng tôi phải dùng đá cây đâu có được sạch như thế này. Với lại, quan trọng là mình bán loại nước gì, có vệ sinh không chứ đá thì ăn thua gì, đông cứng như thế đến người còn chết nói gì vi khuẩn!”.

Trong khi người bán gần như “lơ tơ mơ” về nguồn gốc, chất lượng của nước đá đang sử dụng thì thực khách cũng đành “khuất mắt trông coi”, bởi dù có muốn lựa chọn họ cũng không có cách nào để phân biệt đâu là đá “sạch”, đâu là đá “bẩn”. Chị Nguyên ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột bộc bạch: “Để kiểm soát được chất lượng nước đá tốt nhất chỉ sử dụng đá của gia đình mình tự làm. Còn khi đã vào hàng, quán mà sử dụng nước đá thì phải chấp nhận thôi, quán nào dùng đá viên đã là tốt lắm rồi, nhiều nơi còn dùng cả đá cây để bán ấy chứ”. Theo một cán bộ của Chi cục VSATTP, với những cơ sở sản xuất nước đá có đăng ký chất lượng và công bố tiêu chuẩn sản phẩm, người tiêu dùng có thể yên tâm về xuất xứ cũng như chất lượng, nhưng những cơ sở như vậy rất ít và sản phẩm của họ chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Còn nước đá được sử dụng tại các quán cóc, vỉa hè, hay các hàng quán trong chợ thường là nước đá không rõ nguồn gốc, nên nguy cơ mất ATVSTP là rất cao.

Kiểm tra ra... sai phạm !

Theo quy định của Bộ Y tế  , từ 1-8-2011, tất cả các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền phải thực hiện đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền. Cụ thể, nguồn nước sản xuất đá phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống, được xử lý qua hệ thống lọc và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím; các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét theo thời gian; quy trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người; nước đá dùng liền phải được đóng gói trong bao bì kín và ghi nhãn theo đúng quy định về nhãn hàng hóa; sản phẩm nước đá dùng liền sản xuất, kinh doanh phải được công bố hợp quy… Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tại các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn lại hoàn toàn trái ngược, chất lượng VSATTP của nước đá dường như đang bị lãng quên!(?).

Theo kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng của các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền tại 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (riêng huyện Krông Năng không có cơ sở sản xuất) của Chi cục ATVSTP mới đây cho thấy, chất lượng của hầu hết sản phẩm nước đá dùng liền trên địa bàn chưa đáp ứng được các quy định đề ra theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Trong tổng số 35 cơ sở được kiểm tra chỉ có 7 cơ sở đạt yêu về sản xuất nước đá dùng liền theo quy định mới. 28 cơ sở còn lại đều không đáp ứng được điều kiện vệ sinh đối với cơ sở và điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, con người như: nước nguồn và thành phẩm chưa được kiểm nghiệm theo quy chuẩn của Bộ Y tế; không có hệ thống lọc và diệt khuẩn nước trước khi đưa vào khuôn làm lạnh; hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm vệ sinh; không có bao bì đựng thành phẩm riêng; chưa có labo rửa tay và trang bị xà phòng rửa tay cho nhân viên trực tiếp sản xuất; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất chưa được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ… Bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, hai quy trình sản xuất đá cây và đá dùng liền hoàn toàn khác nhau nên cơ sở vật chất và máy móc để sản xuất hai loại đá này cũng khác nhau, chỉ cần đến khu sản xuất là nhận ra ngay. Theo quy định, những cơ sở sản xuất nước đá dùng cho ăn uống thì phải công bố hợp quy và phải được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, còn những cơ sở sản xuất đá cây phục vụ cho việc ướp thực phẩm sẽ không phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt như vậy.

Có thể thấy, quy định là rất rõ ràng, nhưng hiện nay, nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn cùng lúc sản xuất cả 2 loại đá cây và đá viên nên việc kiểm soát chất lượng cũng như việc làm thế nào để bảo đảm cơ sở thực hiện đúng quy định đá nào dùng cho ăn uống, đá nào chỉ để ướp thực phẩm vẫn là một bài toán khó.

(Còn nữa)

Kim Oanh

Kỳ cuối: Lập lại trật tự trong sản xuất nước đá dùng liền: Trách nhiệm thuộc về ai?

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.