Multimedia Đọc Báo in

Vỉa hè độc hành ký

22:00, 02/07/2012

Vỉa hè - nơi bày ra muôn mặt cuộc sống đời thường. Ở đó có những điều làm người ta lưu luyến, xốn xang; nhưng cũng có lắm thứ tưởng như rất tầm thường. Hai mặt của cuộc sống của vỉa hè đã làm nên tính đa dạng và chiều sâu đời sống đô thị  xưa nay.

Cà phê vỉa hè  mỗi sớm  là cái thú  của nhiều người.
Cà phê vỉa hè mỗi sớm là cái thú của nhiều người.

Đô thị Buôn Ma Thuột cũng không nằm ngoài “khuôn khổ” đó. Bạn thử một lần thả bộ dọc các vỉa hè, hẻm phố Lê Hồng Phong, Quang Trung, Y Jút, Phan Bội Châu Lý Thường Kiệt… sẽ nhận ra điều ấy. Ở đó, ngày ba buổi sáng – trưa - chiều tối người ta bày bán đủ thứ để kiếm sống. Từ chén cháo trắng, ổ bánh mỳ, đĩa xôi… đến bát phở, tô bún đủ hương vị mọi miền. Kẻ bán - người ăn có khi dung dị, chậm rãi; cũng có khi gấp gáp, hối hả đủ điều. Thực khách đến ăn chẳng bao giờ là mối quen cả. Đó có thể là các cô cậu học sinh - sinh viên, là cánh thợ thầy, công nhân, viên chức đến  những người làm thuê độ nhật lỡ bữa qua đường. Nhưng tôi chắc rằng chủ quán trên các vỉa hè kia thì quen lắm, năm hay mười năm (có khi lâu hơn) họ vẫn không thay đổi. Như quán xôi gà cháo gà của anh Còn, mệ Lài trong hẻm đường Y Jút, hủ tiếu chị Út trên vỉa hè Quang Trung… người đi xa Buôn Ma Thuột hàng chục năm ghé lại vẫn thế- ăn ngon quen miệng và thân thiện như xưa.      

Có vỉa hè ăn, dĩ nhiên cũng có vỉa hè uống. Cà phê là đặc sản của  Buôn Ma Thuột, vỉa hè nào cũng có. Một con phố dài chừng trăm mét, bình quân có từ 5-7 quán, thậm chí nhiều hơn. Vẫn là quán cóc với vài bộ bàn ghế cơ động, sơ sài… nhưng hương vị và dư âm để lại không dễ gì phôi phai được. Người bán cà phê là những cô, những chị tần tảo nghèo nàn, lo cho con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cũng có nơi là những cụ ông, cụ bà tuổi đã hưu trí, mỗi sáng ngồi bán kiếm vài chục nghìn đồng để khỏi phụ thuộc con cháu. Uống cà phê vỉa hè cũng thú chẳng kém gì dạo phố: được nghe lỏm mọi chuyện “trên trời, dưới đất” với vốn “từ vựng” phong phú của sinh viên, xe ôm, công nhân, thợ thuyền… Mỗi sáng đến với cà phê vỉa hè trên các ngả đường Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, Tôn Thất Tùng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Công Trứ… dưới bóng những cây muồng hoa vàng, cây bằng lăng hoa tím cùng bạn bè mới thấy cuộc đời đáng yêu biết dường nào!

Tôi có cái thú độc hành trên vỉa hè vào đêm khuya khoắt. Ánh điện lờ mờ trên những con phố vắng, để một phần bóng tối che ô sau những khoảng cây, trên những nóc nhà cũ kỹ và nơi những con đường ngỡ như đi tới vô tận… trong lòng ta sẽ nhận được và lắng lại những cảm xúc nhiều chiều. Vỉa hè lúc ấy trở nên im lặng và chứa đựng nhiều điều . Ai mà không mơ tới một cuộc sống thanh bình, nhưng lúc này đây, đâu phải lúc nào cũng có cảm giác ấy. Dù không còn lo lắng, thấp thỏm như thời chiến tranh, nhưng vẫn còn những nỗi âu lo khác. Trong bóng tối vỉa hè ở nơi nào đó còn giấu những ống kim tiêm vứt lăn lóc bên góc tường hôi hám; còn giấu những khuôn mặt của những cô gái đứng bên đường bán thân kiếm sống; còn giấu những dáng hình, thân phận vô gia cư co quắp nằm vật vờ trên bậu cửa nhà ai đó đã cửa đóng then cài… Nhưng cũng từ vỉa hè trong đêm tối, ngước nhìn lên ô cửa sổ còn sáng đèn, thấy cô bé học trò đang thức bên tập vở; người thợ làm gia công may mặc không thể ngừng tay trước mười hai giờ đêm. Kia nữa, một chàng kỹ sư đang miệt mài với bản vẽ thiết kế, hay một nhà thơ đăm chiêu với trang bản thảo cuối cùng… khiến lòng ta lâng lâng khó tả! Từ vỉa hè, ta có thể nhận ra hạnh phúc và khổ đau, khát vọng và tuyệt vọng; sự cần mẫn và lười nhác, cái tuyệt vời và cái tầm thường của cuộc sống đời người… đan xen trong sự thanh bình và những nỗi truân chuyên... Điều đó cũng thật dễ hiểu, bởi phố gắn với vỉa hè là những hồi ức sống của mỗi mảnh đời gần gũi và thân quen.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.