Multimedia Đọc Báo in

Bài báo đầu tiên và mẹ

17:09, 02/07/2012

Bài báo đầu tiên chỉ là đôi dòng tản mạn về mẹ, thế nhưng khi đọc được, mẹ cứ nước mắt ngắn dài, mừng đến phát run. Khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành báo chí.

Đi học xa nhà, nhiều lúc nhớ quê, nhớ mẹ đến se sắt. Nhớ bữa cơm, canh nóng hổi của mẹ, nhất là những buổi học về muộn, lại phải một mình tất tả đi chợ, cắm cơm trong lúc cái bụng thì đói cồn cào… Bấy nhiêu cảm xúc cứ thế “chảy  vào” những bài viết, trước hết, chỉ để thỏa niềm nhớ.

Thế rồi, những bài tản mạn được đăng trên mặt báo. Ở nhà, mẹ lặng lẽ cắt báo, gom từng tờ một cho vào bọc nilon, kỹ lưỡng cất vào khay đựng trầu, giữ như một báu vật. Lúc rảnh rỗi, mẹ lại mang ra đọc đi đọc lại, rồi như thuộc lòng nội dung từng mẩu báo một, kể bao nhiêu lần không biết chán với bà con, chòm xóm. Và, một bà mẹ quê tần tảo bước sang tuổi 60 mới bắt đầu tập thói quen đọc báo từ đó. Mẹ chỉ đọc những tờ báo mà con mình viết bài cộng tác, rồi tấm tắc khen… tờ báo này, tờ báo kia viết hay đáo để (?!) Bốn năm con học đại học, ở nhà, mẹ thay kính lão đến 3 lần!

Cô sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học, tập tành viết lách, có bài đăng báo rồi nghiễm nhiên được mẹ “phong ” cho là “nhà báo”. Và, có được “độc giả trung thành” nhất khen - chê mỗi khi có tên mình xuất hiện trên mặt báo. Chừng ấy, đủ để động viên con theo với nghề.

Khi cầm trên tay số tiền nhuận bút lần đầu tiên có được trong đời từ việc viết báo, con vội vã chạy ra khu chợ gần nhất, chọn mua xấp vải gửi về biếu mẹ. Từ đó, hàng xóm thấy mẹ cứ ưa mặc mãi bộ quần áo màu xanh ghi. Về sau, mỗi khi có bài được đăng, chưa kịp đợi con gửi theo đường bưu điện về, mẹ đã tất tả đi bộ hơn 5 cây số ra chợ huyện tìm mua cho bằng được tờ báo ấy. Không chỉ đọc để thấy vui, mẹ còn góp ý tỉ mỉ cho từng “tác phẩm” một, góp ý theo cách của mẹ - cách nghĩ chân chất của một bà mẹ quê tần tảo, quanh năm cuốc cày, chân lấm tay bùn - nhưng chẳng bao giờ là thừa. Đó không phải là câu từ, cú pháp, sức chứa thông tin trong một tác phẩm báo chí, mà đơn giản chỉ là viết sao cho dễ hiểu. “Con hãy viết thật gần gũi để những người như mẹ cũng có thể hiểu được, thì khi đó độc giả mới biết là con viết cái gì. Phải viết bằng cảm xúc thật của mình nghen con!”- giọng mẹ thủ thỉ bên tai.

Ngày qua ngày, con ngập đầu trong đống bài vở, mẹ vẫn là độc giả trung thành nhất, lặng lẽ cất giữ từng mẩu báo trong bọc nilon cũ nhàu. Thỉnh thoảng gọi điện về thăm nhà, chưa kịp hỏi thăm gì, mẹ đã đon đả: “con khỏe không”. Còn mẹ, lúc nào cũng cứ một câu “mẹ khỏe, mẹ khỏe lắm. Con yên tâm mà học”, dù giọng mẹ có lúc nghe lạc đi trong điện thoại. Rồi hai mẹ con đưa ra “cam kết”: Từ nay, con chỉ dùng số tiền nhuận bút có  được mà điện thoại về cho mẹ, bởi nếu nhớ mẹ thì càng phải chăm chỉ học và viết báo.

Chưa kịp đợi đến ngày con ra trường, bước vào nghề, chính thức có trong tay tấm thẻ nhà báo, mẹ đã vội ra đi. Sau này, nghe ba kể lại rằng: lúc nằm trên giường bệnh, mẹ bảo mấy anh chị mặc cho mẹ bộ đồ màu xanh ghi và vẫn không quên nhắc mấy đứa con lục tìm trong khay trầu của mẹ, lấy mấy tờ báo cũ nhàu rồi đọc cho mẹ nghe. Mỗi khi đọc đến đâu, mẹ như biết trước được đoạn sau sẽ là nội dung gì, và luôn miệng nhắc, chỗ này chỗ kia có dấu chấm câu nên phải ngừng nghỉ, thế mới đúng ý của tác giả.

Ra trường, theo nghiệp báo, mỗi khi cầm bút, vẫn nhớ mãi câu nói của mẹ “viết sao cho thật  gần gũi, dễ hiểu”. Mỗi bài viết sau này như có gì đó thúc giục, viết bằng cảm xúc thật của mình… Cuối tháng, cầm số tiền nhuận bút trong tay, không còn nhỏ để đi khoe, cũng chẳng còn mẹ để điện thoại, nhưng lại thấy con gần mẹ hơn-người mẹ quê lặng thầm nuôi con đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn thấy mình như chưa hết nợ…

Giờ, thỉnh thoảng có bài báo nào tâm đắc, cũng vẫn mang báo ra mộ mẹ để thắp hương gửi biếu mẹ. Và, cứ nghĩ rằng như thế mẹ sẽ ấm lòng hơn; còn con vẫn nhỏ bé như ngày nào bên mẹ…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc