Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm từ những chuyến đi

17:10, 02/07/2012

Mặc dù mới bước vào nghề báo hơn 3 năm, nhưng trên hành trình tác nghiệp ở cơ sở, tôi đã trải qua bao kỷ niệm vui, buồn, những gian khổ, hay nỗi day dứt về một lời hứa chưa thành...… Xin chia sẻ cùng đồng nghiệp và bạn đọc vài câu chuyện nhỏ trên quãng đường làm báo còn ngắn ngủi của tôi.

Đêm Giao thừa ở Yang Hanh

Gần 2 tháng sau khi được nhận vào công tác tại Báo Dak Lak, ngày 31-12-2009 tôi về huyện Krông Bông với kế hoạch viết bài cho số báo Xuân Canh Dần 2010 về không khí đón xuân và cuộc sống mới của đồng bào dưới chân dãy Cư Yang Sin. Khi đến xã Cư Drăm thu thập tư liệu thì chúng tôi tình cờ biết được trên đỉnh Yang Hanh cao gần 1000 mét có mô hình nuôi cá hồi đang sắp thu hoạch. Tò mò, tôi và một đồng nghiệp báo Tiền Phong quyết định phải mục sở thị những con cá hồi – loại cá đặc trưng xứ lạnh được nuôi như thế nào giữa núi rừng Tây Nguyên. Từ chân núi lên đến trại cá hơn 5 km, đường đi chỉ là lối mòn nhỏ xíu, len lỏi giữa rừng già rậm rạp, chỗ lầy lội, chỗ thì đá lởm chởm, chúng tôi chỉ đi xe máy được nửa đường rồi cuốc bộ mất hơn 1 giờ mới tới nơi. Sau khi tham quan trại cá, chúng tôi xuống núi thì trời đã tối. Lúc này mà về thành phố thì quá khuya, lại nguy hiểm, anh Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm nhiệt tình mời chúng tôi nghỉ lại và chúng tôi đã có một đêm giao thừa cùng với những trải nghiệm thú vị nơi đây. Quây quần bên đĩa cá hồi béo ngậy và bình rượu nhỏ, chúng tôi tâm sự đến gần sáng. Nhờ vậy, chúng tôi mới hiểu: đằng sau một vị lãnh đạo đầy nguyên tắc và hết lòng vì công việc, anh Ama Nho còn là người sống đầy tình cảm, thương vợ và dễ… khóc khi con bị đau đầu, sổ mũi. Cũng qua anh, chúng tôi càng hiểu hơn về những nỗi vất vả, thiếu thốn và mong ước của đồng bào nơi đây. Đó là đêm giao thừa đặc biệt của tôi dưới chân núi Yang Hanh.

Phóng viên Báo Dak Lak làm việc tại Kiểm lâm Vườn quốc gia Cư Yang Sin.
Phóng viên Báo Dak Lak làm việc tại Kiểm lâm Vườn quốc gia Cư Yang Sin.

“Thương nhà báo như con mình!”

Vừa chân ướt chân ráo vào Tây Nguyên, chuyến công tác đầu tiên ở một huyện xa khiến tôi còn nhớ mãi. Do phải chờ đồng chí lãnh đạo xã Ea Tân (Krông Năng) để làm việc sau khi tan giờ làm buổi chiều nên tôi về muộn. Không may trời đổ mưa, đường vắng, trời tối mà chiếc xe máy cà tàng thì đèn rất mờ, tôi phải mò mẫm đi rất chậm trong đêm. Chưa hết, đang đi thì xe bị xẹp lốp, phải dắt bộ đoạn dài băng qua lô cao su. Đến một tiệm sửa xe bên đường tại xã Ea Toh. Rất may chủ tiệm (sau đó mới biết anh tên Tuấn, 50 tuổi) dù đã nghỉ làm nhưng vẫn nhiệt tình mở cửa giúp tôi vá ruột và thay bóng đèn pha, chị Hương, vợ anh Tuấn cũng ra bắt chuyện. Thấy mặt tôi tái xanh vì đói và lạnh chị vào nhà lấy ra lọ dầu gió xức cho tôi và pha cho tôi tô mì tôm nóng hổi, bốc khói, khiến tôi cảm thấy thật ấm lòng. Đúng là cuộc sống có rất nhiều người tốt. Ăn xong tô mì thì anh Tuấn cũng sửa xong xe, tôi trả tiền, cảm ơn anh chị và lên đường về. Vợ chồng họ còn chu đáo dặn tôi chạy xe cẩn thận. Nhưng có một câu nói của chị Hương mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy vui: “Đừng ngại, tôi có đứa con trai trạc tuổi chú. Tôi thương nhà báo như con mình!”

“Lâu lắm rồi bọn em mới có khách”

Đó là bữa cơm mà tôi và một đồng nghiệp ăn với các giáo viên tại điểm trường thôn Dak Sah của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Dak Nuê, huyện Lak). Điểm trường cách trung tâm xã 30 km, mới được dựng tạm bằng tranh tre nứa lá hồi đầu năm học để dạy học cho 74 em học sinh người Mông, Tày… theo cha mẹ từ miền Bắc di cư vào đây. Thầy Ngô Văn Đại và cô Triệu Thị Hằng là hai giáo viên trẻ được phân công phụ trách 3 lớp học tại điểm trường này. Vì lớp học nằm biệt lập giữa núi rừng, đường đi lại rất khó khăn nên các giáo viên phải ở nhà tạm cạnh trường, cuộc sống rất khó khăn, chợ không có nên bữa ăn chỉ có cá khô và mì tôm. Sau buổi học sáng, trong căn nhà lá nhỏ xíu chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và tấm ván nhỏ làm kệ để sách, cô Hằng vội vàng chuẩn bị bữa trưa với mấy con cá trích đun lại, một tô mì tôm làm canh. Chúng tôi cùng nhau ăn cơm vui vẻ, tuy đơn sơ nhưng đáng nhớ. Bởi có đến đây mới hiểu và thêm quý trọng những người giáo viên trẻ như họ, sẵn sàng đến nơi xa xôi, không quản khó khăn, vất vả đem cái chữ đến với những em nhỏ vùng sâu. Trước khi chia tay, cô Hằng chào chúng tôi như một lời tâm sự: “Lâu lắm rồi bọn em mới có khách. Trường lớp xa xôi, lâu lâu mới có người vào, học sinh ở đây vất vả lắm…!” Lời bộc bạch của cô giáo trẻ khiến tôi cứ day dứt mãi.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc