Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa những tấm lòng tình nguyện

17:11, 02/07/2012

Chia sẻ những giọt máu hồng là chia sẻ niềm tin, sự sống. Đó chính là tâm niệm của hàng triệu tấm lòng tình nguyện hiến máu - cứu người. Những nghĩa cử cao đẹp đó ngày càng lan tỏa và tạo thành một phong trào rộng khắp...

Đoàn viên thanh niên  Đoàn Khối  các cơ quan tỉnh  tham gia  hiến máu  tình nguyện.
Đoàn viên thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện.

Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thiện Thành đã 3 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Anh vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng, hồi hộp trong lần hiến máu đầu tiên, nhưng khi nghĩ đến việc những giọt máu của mình sẽ góp phần cứu chữa người bệnh qua cơn nguy kịch, mọi cảm giác e dè, lo sợ ban đầu không còn nữa. Sau này khi về công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lak, anh Thành vẫn tiếp tục nghĩa cử cao đẹp của mình. Với 13 lần tham gia hiến máu tình nguyện, anh Thành là một trong số 33 cá nhân tiêu biểu của huyện Lak được vinh danh nhân Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện (14-6) vừa qua. Anh luôn tâm niệm: “Còn sức khỏe, còn tiếp tục tham gia hiến máu cứu người bởi máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Không chỉ có thâm niên 10 lần tham gia hiến máu tình nguyện, chị Đào Thị Thủy, Chủ tịch HPN thị trấn Liên Sơn (huyện Lak) còn là thành viên tích cực của “Ngân hàng máu sống”. Trong những câu chuyện kể của mình, chị Thủy vẫn không thể quên lần “hiến máu hụt” mới đây. 22 giờ tối hôm đó khi đang ngồi xem ti vi bỗng có điện thoại gọi đến với mong muốn chị hiến 250 ml máu nhóm B để cứu chữa một bé gái đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Không ngần ngại đêm tối, đường sá xa xôi, chị tức tốc lên đường. Tuy nhiên, khi đến nơi đã có một tình nguyện viên khác cho máu nên chị quyết định quay về ngay trong đêm để kịp lo công việc của ngày hôm sau. “Những tình nguyện viên trong “Ngân hàng máu sống” như tôi luôn sẵn sàng có mặt khi người bệnh cần, và niềm vui đối với những người hiến máu tình nguyện không gì hơn là được chia sẻ sự sống cho những người đang trong cơn nguy kịch”, chị Thủy bộc bạch. Không chỉ có anh Thành, chị Thủy mà trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn người tình nguyện ghi tên mình vào danh sách hiến máu nhiều lần. Tiêu biểu như: anh Khiếu Đình Dũng, Bí thư Đoàn xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đã 12 lần tham gia hiến máu tình nguyện và trở thành “thủ lĩnh” vận động thêm 40 đoàn viên, thanh niên của xã tham gia; chị Phan Thị Hồng Hạnh (thị xã Buôn Hồ), anh Đoàn Quang Dũng (xã Dak Liêng, huyện Lak), Trương Văn Hà (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar)… đã có 10 lần ghi tên vào danh sách tham gia hiến máu tình nguyện.

Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đánh giá, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thấm đượm tính nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng, lan tỏa rộng khắp và thu hút hàng chục nghìn lượt người tình nguyện tham gia. Nếu như năm 2003 toàn tỉnh mới chỉ tiếp nhận được 169 đơn vị máu, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu máu cấp cứu và điều trị thì đến năm 2011 đã tiếp nhận 8.641 đơn vị máu, tăng hơn 51 lần, đáp ứng trên 96% nhu cầu máu cho các bệnh viện trong toàn tỉnh góp phần cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã tổ chức được 30 đợt hiến máu tình nguyện với sự tham gia của trên 4.700 người, thu được 4.748 đơn vị máu. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập được 1 Câu lạc bộ (CLB) sinh viên vận động hiến máu tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên với 50 thành viên tham gia; “Ngân hàng máu sống” trên 1.000 thành viên là những người có đủ sức khỏe sẵn sàng hiến máu theo nhu cầu của người bệnh. Các đối tượng tham gia hiến máu cũng đang dần được mở rộng từ người dân, đoàn viên, thanh niên trong các cơ quan, đơn vị, trường học … đến cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan, doanh nghiệp.

Để đạt được kết quả trên, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: trực tiếp qua các buổi mít tinh, hội nghị, hội thảo, tư vấn; phát tờ rơi, băng rôn, áp phích ở những nơi công cộng; gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt ở địa bàn dân cư; tổ chức gặp mặt, biểu dương những cá nhân điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện. Hầu hết các đợt tuyên truyền, vận động đều được kết hợp với các chiến dịch, các sự kiện và tổ chức ra quân hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch “Lễ hội xuân hồng”,

“Những giọt máu hồng hè”, Kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8-5, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14-6, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam v.v.. Nhờ đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và người dân về hiến máu tình nguyện ngày càng được nâng cao và lan tỏa rộng khắp.

Tuy nhiên, do nhu cầu máu cấp cứu và điều trị bệnh ngày một tăng, trong khi sự tham gia phối hợp của các cấp, ngành chưa nhiều, đối tượng hiến máu tình nguyện chưa đa dạng, việc tổ chức hiến máu lưu động tốn kém nhiều thời gian và kinh phí đang là những khó khăn chủ yếu trong công tác hiến máu tình nguyện của tỉnh. Vì vậy, để hoạt động hiến máu tình nguyện phát triển sâu rộng, duy trì bền vững và trở thành phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp rất cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và toàn xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.