Multimedia Đọc Báo in

Hơn 1.200 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015

11:16, 27/09/2012

 Bộ Y tế vừa phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn (LMAT) và chăm sóc sơ sinh (CSSS) giai đoạn 2011-2015. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho công tác này là  1.210 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh thông qua cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ sơ sinh người dân tộc thiểu số nhằm giảm sự khác biệt trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ LMAT và CSSS giữa các vùng miền, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Kế hoạch này sẽ tăng cường tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng miền; giảm tỷ số tử vong mẹ xuống còn 58,3/100.000 sơ sinh sống, trong đó khu vực đồng bằng giảm xuống còn 30/100.000 sơ sinh sống và khu vực miền núi giảm xuống còn 85/100.000 sơ sinh sống; nâng tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 95%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 87%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%; tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ do người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ lên 30% so với năm 2010, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc trong tuần đầu sau đẻ đạt 85%, tỷ số phá thai giảm xuống còn 25/100 trẻ sơ sinh sống. Đồng thời, tăng cường tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sơ sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm giảm tỷ suất tử vong sơ sinh xuống còn dưới 10‰, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi xuống còn 14‰, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 2500g xuống còn 10%; tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được bổ sung vitamin K1 ngay sau đẻ lên 85%, tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau đẻ đạt 75% và tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau đẻ đạt 70%.

Kế hoạch hành động cũng đề ra các nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm giải pháp về nhân lực. Đối với các thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, sẽ tăng cường nhân lực chăm sóc hộ sinh cho các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn thông qua mở rộng hình thức đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản; chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, ban hành chính sách tuyển dụng và hỗ trợ cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo. Đối với tuyến xã, bổ sung số lượng nhân lực sản nhi thông qua việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển nhân viên hộ sinh và đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng hộ sinh cho cán bộ trực tiếp làm công tác đỡ đẻ tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, ưu tiên các cơ sở có nhân viên đỡ đẻ tại các vùng khó khăn về địa lý. Đối với tuyến huyện, bổ sung số lượng thông qua tăng cường tuyển dụng, luân chuyển bác sỹ chuyên khoa sản, nhi đào tạo bác sỹ đa khoa thành bác sỹ chuyên khoa định hướng sản và nhi, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý; tăng cường đào tạo liên tục cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác đỡ đẻ để đạt được tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng, ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý. Tập trung đào tạo cán bộ theo kíp đáp ứng yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật về cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh…

Với vai trò của đơn vị đầu mối, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm thu thập và chia sẻ thông tin, điều phối và hoạt động giữa các ngành, các đơn vị, chương trình, dự án, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào công tác LMAT và CSSS nhằm tăng cường phối hợp hiệu quả và tránh trùng lắp. Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố là đơn vị đầu mối, có trách nhiệm tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời điều phối hoạt động giữa các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh/thành phố .

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc