Những người “cõng” chợ vào buôn
Ngày nào cũng vậy, những chiếc xe máy của họ phải cõng trên lưng ngót nghét cả tạ hàng từ mắm, muối, bột ngọt… cho đến cá, thịt, rau, củ quả, vượt hàng chục cây số đi vào các thôn buôn để bán cho người dân nơi đây. Sự có mặt của các đoàn xe máy bán hàng rong phục vụ bà con đã trở thành cách làm mới, nét sinh hoạt độc đáo cho người dân nơi vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông.
Hầu hết những người buôn bán kiểu này đều là phụ nữ. Họ thường đi chợ huyện vào chiều hôm trước để mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong ngày, sáng hôm sau, họ lại tất bật thức dậy lúc 4 giờ sáng, cho hàng vào trong 2 sọt buộc sau xe máy và lên đường. Chị Lệ thôn 5 xã Hòa Lễ huyện Krông Bông là người chuyên chuyển hàng hóa đến bán ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm. Hàng hóa chị có đủ các loại từ hàng khô đến hàng tươi sống. Dù chở nhiều hàng hóa cồng kềnh như vậy nhưng ngày nào chị Lệ cũng về nhà trước 11 giờ trưa. Bởi nhiều người dân nơi đây xem chị như là mối thân tình từ trước đến nay nên cứ đến giờ chuẩn bị bữa cơm là họ ra tỉnh lộ 12 để đón chị mua hàng, nào bó rau để luộc, miếng dứa để về nấu canh chua hay một vài trái ớt... Trung bình mỗi ngày chị Lệ kiếm lời hơn 100.000đ sau khi trừ mọi chi phí. Số tiền này cũng khá cao so với thu nhập của người dân nông thôn nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lệ cho biết: “Trước đây tôi mở quán hàng ăn uống tại chợ trung tâm xã Hòa Lễ, song hàng ăn ở chợ nhiều nên nhiều ngày ế ẩm chẳng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình nên tôi chuyển qua buôn bán hàng kiểu này. Thú thật bán hàng kiểu này rất vất vả nhưng phải vui vẻ, bán rẻ hơn ngoài chợ và cũng nhiều lúc phải cho bà con nợ thì mới giữ được khách”. Cũng như chị Lệ, nhiều người bán hàng cũng có chung suy nghĩ như vậy khi chở hàng về bán cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Chị Năm ở xã Khuê Ngọc Điền, người cũng có thâm niên “cõng” chợ vào bán cho bà con ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm nói rằng: “Mặc dù hằng ngày phải vất vả đi một quãng đường xa để vào các buôn làng bán hàng nhưng không phải vì thế mà chúng tôi bán đắt. Làm nghề này nếu không có cái tâm con người thì dần dần không có ai mua cho mình nữa cả ”. Nhờ bán hàng với giá cả phải chăng nên hầu hết số hàng trên xe của các chị đều hết rất nhanh trong buổi sáng. Nhiều người dân chưa có tiền thì mua nợ đến khi nào có tiền thì trả; một số người dân không sẵn tiền thì có đậu, bắp, măng, lúa, cà phê... ra đổi hàng, hai bên thống nhất cười đùa vui vẻ. Anh Dương Văn Nó, thôn Noh Prông xã Hòa Phong bày tỏ: “ Mấy chị bán hàng lúc nào cũng rất dễ chịu, nhiều lúc tôi không có tiền các chị cũng cho mua hàng thiếu, có lúc nhà tôi thiếu đến mùa mới trả được nhưng các chị vẫn vui vẻ không lấy lãi”.
Từ người bán hàng “ di động” dần dần các chị đã trở thành những người bạn chân tình của bà con nơi đây. Bởi vì, chính nhờ những xe hàng của các chị mà bữa ăn của họ được đầy đủ, ngon miệng hơn. Anh Hoàng Văn Du thôn Ea Lang xã Cư Pui vui vẻ: “Trước đây muốn mua cái gì phải đi đến chợ, nhiều lúc bận việc gia đình nên đi đến chợ thì đã trưa buổi không mua được thức ăn ngon. Nay nhờ có những chiếc xe chở hàng đến bán tận nhà với đủ các mặt hàng thiết yếu như thế này bà con nhân dân vui lắm vì đỡ vất vả hơn nhiều”.
Nguyễn Trung Thu
Ý kiến bạn đọc