Multimedia Đọc Báo in

“Một cửa” nhưng... nhiều ngách!

07:45, 23/10/2012

Vừa qua Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính Nhà nước của UBND tỉnh đã tiến hành đợt kiểm tra đột xuất việc thực hiện cải cách hành chính năm 2012 tại một số xã và huyện. Qua kiểm tra thực tế ở các xã đều cho thấy hầu hết các bộ phận “Một cửa”- tiếp nhận và trả hồ sơ vẫn chưa đúng quy định trong việc mở sổ theo dõi giải quyết hồ sơ, đặc biệt là không phản ánh được tình trạng đúng hẹn hay trễ hẹn. Tìm hiểu vấn đề này từ các cán bộ phụ trách từng lĩnh vực ở xã được biết, theo đúng nguyên tắc quy định của cải cách hành chính thì sau khi tiếp nhận hồ sơ ở  bộ phận “Một cửa” xã, những hồ sơ  thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện sẽ được cán bộ xã chuyển lên bộ phận nhận, trả hồ sơ ở huyện. Tại đây, bộ phận “Một cửa” sẽ phân chia hồ sơ theo từng lĩnh vực và chuyển cho các phòng, ban liên quan để giải quyết. Tuy nhiên, do hồ sơ phải đi lòng vòng các phòng, ban chờ xử lý nên trễ hẹn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cũng chính vì vậy bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở xã đã không có mục “hẹn ngày trả” hồ sơ và đương nhiên cũng không thể phản ánh được trả hồ sơ đúng hẹn hay trễ hẹn!

Rút kinh nghiệm từ những lần bị “lỡ hẹn” ở bộ phận “Một cửa” của huyện và nghe người dân ca thán vì sự chậm trễ, cán bộ phụ trách các lĩnh vực ở xã liền “quay về đường cũ”- đưa thẳng hồ sơ lên các phòng ban chuyên môn, chờ giải quyết xong đưa về luôn (ví dụ hồ sơ thuộc lĩnh vực chế độ chính sách thì đưa thẳng lên Phòng LĐ - TB&XH; hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai thì đưa lên Phòng Địa chính…). Với cách thức này, hồ sơ đã được giải quyết nhanh chóng hơn, người dân được hưởng lợi nhưng lại hoàn toàn sai về quy trình giải quyết hồ sơ theo quy định cải cách hành chính. Cán bộ xã “vô tư” cho biết: Dù biết sai, nhưng được việc cho dân nên vẫn làm và điều cơ bản là cán bộ các phòng, ban vẫn tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tiếp mà không hề yêu cầu phải thông qua bộ phận “Một cửa” của huyện! Và suy cho cùng thì việc cải cách hành chính cũng là để thuận tiện trong việc giải quyết hồ sơ của người dân, nên bằng phương thức nào để đạt được mục đích đó thì đều chấp nhận. Vậy, nên chăng cần phải cải cách thật triệt để việc giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, ngành để bộ phận “Một cửa” thực sự đạt được mục đích như đề ra, đừng để tình trạng “Một cửa” mà nhiều ngách như hiện nay, e rằng từ đó sẽ quay lại cách giải quyết thủ tục hành chính tiêu cực như trước đây.

  Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.