Multimedia Đọc Báo in

Đừng thờ ơ trước tính mạng người khác!

14:06, 10/11/2012

Trên đường đi làm về thấy nhiều người tụ tập nơi vỉa hè, dưới lòng đường chỉ trỏ xì xầm, tôi tò mò ghé lại xem có chuyện gì. Trước mắt là một cậu “choai choai” với mái tóc vàng hoe, áo quần lòe loẹt đang nằm bên vũng máu chảy ra từ miệng, hơi thở khò khè yếu ớt, cách đó khoảng 5m là chiếc xe máy độ với phần vỏ nhựa bị bể nát và chiếc vành trước cong quẹo.

Đúng là một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra, thấy người đàn ông đang kể chuyện tôi liền hỏi sao không ai chở nạn nhân đi bệnh viện. Như khơi đúng nỗi bức xúc, người đàn ông nói liền một hơi: “Mấy cái thằng ranh con lười lao động, thích ăn chơi nhảy múa hết tiền làm liều đi cướp giật. Lúc nãy 2 thằng chạy xe rú ga lạng lách tính giật cái túi xách của cô gái mới rút tiền ở cây ATM bên kia đang qua đường thì bị vướng tay lái vào xe đi bên cạnh thế là đâm phải bờ đường lộn cổ xuống. Thằng ngồi sau bị nhẹ nên chạy thoát được. Mấy loại này chết cũng đáng chứ đi xe kiểu bặm trợn đó chỉ khổ cho người dân vô tội khi đụng chúng trên đường”.

Người đàn ông kia nói cũng có cái lý của mình, nhưng nếu đặt ông vào hoàn cảnh là bố mẹ của người thanh niên hư hỏng nọ thì sẽ đau lòng thế nào khi con mình đang cận kề cái chết mà mọi người xung quanh vẫn thờ ơ? Tôi rút máy điện thoại định gọi xe cấp cứu thì xe đã tới nơi. Không biết trong số những người đứng đó ai đã gọi xe cấp cứu, nhưng có một điều đáng quý là họ không thờ ơ trước cơn nguy kịch của người khác.

Lỗi lầm con người theo thời gian có thể sửa đổi, nếu ta biết giáo dục và hướng họ đến những giá trị đạo đức tốt đẹp. Chẳng biết người thanh niên kia có qua khỏi cơn nguy kịch hay không nhưng chắc rằng những người chứng kiến vụ tai nạn hôm đó không khỏi có những suy tư. Người thì cho rằng ở đời có luật nhân quả “gieo gió gặt bão”, “đi đêm nhiều có ngày gặp ma”; có người ngẫm nghĩ về cách dạy dỗ, quản lý con cái trong độ tuổi nửa trẻ con nửa người lớn; nhưng bài học tôi nhận được là vẫn còn đó những người coi trọng tính mạng của người khác lớn hơn lỗi lầm mà họ gây ra, cho họ con đường sống và sửa đổi bởi ông cha đã dạy “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.