Multimedia Đọc Báo in

Khi trạm y tế được “tin học hóa”

07:59, 27/11/2012

Thời gian qua, với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã giúp các trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột triển khai công tác chuyên môn hiệu quả và kịp thời hơn.

Hằng ngày, ngoài công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn, mỗi nhân viên của Trạm Y tế phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) còn phải phụ trách nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Trước đây, chỉ tính riêng các công việc ghi chép sổ sách, thống kê, báo cáo hằng tháng theo yêu cầu của từng chương trình cũng đã “ngốn” hết thời gian chưa nói đến các công việc khác như triển khai thực hiện các chương trình trong cộng đồng, khám chữa bệnh cho nhân dân… Năm 2010, với sự đầu tư máy tính và hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, Trạm Y tế phường Thành Nhất đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn. Việc thực hiện “tin học hóa” không chỉ giúp trao đổi thông tin giữa trạm với đơn vị tuyến trên được cập nhật kịp thời mà còn cung cấp cho các nhân viên kho dữ liệu phục vụ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, từ đó giúp cho việc triển khai thực hiện đạt được tiến độ và hiệu quả đề ra. Bác sĩ Võ Thị Kim, Trạm trưởng cho biết, Trạm chỉ có 8 người mà thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu cho gần 14.000 dân trên địa bàn phường đã là một khối lượng công việc rất lớn. Vậy mà còn đảm nhận trên 20 chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Trước đây, với cách làm thủ công, các nhân viên của Trạm rất vất vả và mất nhiều thời gian để cập nhật dữ liệu và làm báo cáo thực hiện đối với mỗi chương trình, thậm chí mọi người phải tranh thủ cả thời gian ban đêm để làm cho kịp tiến độ. Từ khi được “phủ sóng” công nghệ thông tin, các chương trình đều có phần mềm quản lý nên khi cần tra cứu thông tin hay làm báo cáo chương trình, nhân viên chỉ cần “kích chuột” cập nhật dữ liệu. Đặc biệt, với những chương trình như tiêm chủng mở rộng, nhờ có hệ thống quản lý việc kiểm tra những trẻ trên địa bàn chưa được tiêm chủng hay phải tiêm mũi nhắc lại cũng đơn giản hơn nhiều mà lại bảo đảm được tính chính xác.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế phường Thành Nhất.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế phường Thành Nhất.

Năm 2010, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai ứng dụng tin học tại 21 trạm y tế xã, phường trên địa bàn, không chỉ giúp các trạm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn mà còn tạo mối liên kết hoạt động chặt chẽ giữa các xã, phường với Trung tâm. Theo bác sĩ Lê Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn đã mang lại thuận lợi lớn trong việc chuyển tải các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, nội dung các chương trình dự án, công tác phòng chống dịch bệnh về các xã, phường kịp thời. Qua đó, tiết kiệm thời gian đi lại trao đổi thông tin cho các trạm. Đồng thời, cách quản lý qua hệ thống này cũng giúp Trung tâm rút ngắn được thời gian chờ đợi, báo cáo từ tuyến cơ sở gửi lên, nắm bắt tình hình nhanh hơn mà không cần hội họp nhiều… Cũng theo bác sĩ Thiện, một hiệu quả khác mà việc ứng dụng công nghệ thông tin ở y tế xã, phường đem lại ngoài dự kiến đó là “tin học hóa” đã trở thành động lực thúc đẩy các nhân viên y tế học tập nâng cao kiến thức tin học, từ đó tăng hiệu suất làm việc và tạo được hiệu quả cao trong hoạt động chuyên môn.

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một vài trạm y tế vùng ven thành phố đôi khi vẫn còn một số khó khăn do các nguyên nhân khách quan. Song, có thể khẳng định, việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho y tế cơ sở của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột là một cách hiệu quả đưa y tế cơ sở đến gần dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.