Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa công tác thu gom rác thải ở chợ Cuôr Đăng (Cư M’gar)

08:25, 24/12/2012

Bước chân vào chợ Cuôr Đăng (buôn Koh Neh, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar), điều ấn tượng nhất đối với nhiều người là vệ sinh môi trường luôn được bảo đảm sạch sẽ. Kết quả này là nhờ việc thu gom rác thải tại chợ đã được xã hội hóa.

Anh Tuyên (người đứng phía bên trái) tuyên truyền, vận động bà con  tiểu thương giữ gìn vệ sinh môi trường chợ.
Anh Tuyên (người đứng phía bên trái) tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương giữ gìn vệ sinh môi trường chợ.

Chợ Cuôr Đăng được xây mới và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010 có diện tích 2.550 m2 với hơn 100 ki ốt cho tiểu thương kinh doanh. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp giúp cho việc kinh doanh của tiểu thương thuận lợi, Ban quản lý chợ đã giao việc thu gom, xử lý rác thải cho anh Nguyễn Tuyên, một người sống trong khu vực chợ. Hằng ngày anh Tuyên thu dọn kịp thời lượng rác thải, chất thải phát sinh khi mua bán; đồng thời vệ sinh quầy sạp, lối đi lại trong khu vực chợ, nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh chung. Trước đây, do cơ sở vật chất xuống cấp, các lô quầy chủ yếu do các hộ kinh doanh làm tạm bợ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi xây mới chợ, đồng thời có người phụ trách thu gom rác nên vệ sinh môi trường cải thiện rõ rệt. Với công tác tuyên truyền, vận động từ phía Ban quản lý chợ, tất cả các hộ kinh doanh, buôn bán đều tuân thủ việc giữ gìn chợ sạch sẽ, đổ rác thải đúng nơi quy định để thuận tiện cho người thu gom. Các khu vực, quầy hàng trước đây được xem là điểm “nóng” về vệ sinh môi trường như hàng ăn uống, cá tôm, rau củ, trái cây... nay đã sạch hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương kinh doanh hàng ăn uống chia sẻ: "Trước đây, nhiều người rất ngại khi bước vào hàng ăn trong chợ, nay thì khác bởi họ thấy lô quầy sạch sẽ, trưng bày ngăn nắp và nhất là không còn cảnh rác thải ngổn ngang ".

Hằng ngày, trời vừa chập tối, anh Tuyên lại đẩy xe đi thu gom rác trong chợ và tại các hộ dân sống quanh khu vực này đem đến bãi rác của xã cách đó khoảng 2 km. Anh Tuyên tâm sự: "Tôi đã gắn bó với công việc thu gom rác thải ở chợ hơn 5 năm nay, từ khi chưa xây chợ mới, mỗi ngày bắt đầu công việc từ 19h đến khoảng 21h thì xong với khoảng 2 chuyến xe chất đầy rác. Những lúc lượng rác quá nhiều thì tôi huy động thêm vợ con cùng làm để bảo đảm chợ được sạch sẽ kịp cho các tiểu thương kinh doanh, buôn bán vào sáng hôm sau". Hiện nay, ngoài việc thu gom rác tại chợ, anh Tuyên đang hợp đồng thu gom rác cho hơn 40 hộ dân sống khu vực xung quanh với mức phí mỗi tiểu thương từ 10.000 - 20.000 đồng (tùy theo từng loại hàng kinh doanh) và mỗi hộ dân 15.000 đồng/ tháng. Nhờ vậy đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa bàn buôn Koh Neh.

Khi việc thu gom rác thải ở chợ được xã hội hóa, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được nâng lên. Bây giờ, đến chợ Cuôr Đăng không còn cảnh rác thải vứt bừa bãi mà thay vào đó, các tiểu thương đã chủ động bỏ rác đúng nơi quy định để người thu gom vận chuyển đến bãi rác tập trung. Thiết nghĩ, đây là giải pháp tốt cho vấn đề vệ sinh môi trường chợ nông thôn hiện nay, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.