Cảnh giác với bệnh nghề nghiệp và những tai nạn trong lao động
Bệnh nghề nghiệp là bệnh liên quan đến nghề nghiệp, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do điều kiện môi trường làm việc không bảo đảm an toàn về khí thải, độc tố hóa chất, đặc thù nghề nghiệp mà người lao động phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Điều kiện môi trường làm việc không bảo đảm an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người lao động. |
Đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp không chỉ là công nhân, người lao động trong các môi trường độc hại mà bất cứ công việc nào cũng có thễ dẫn đến bệnh nghề nghiệp cho bản thân người lao động. Nếu không chú ý thực hiện các biện pháp dự phòng lây bệnh, không thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người lao động càng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và bệnh có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.
Ông Mai Văn Hỷ, trú tại thôn 1, xã Hòa Thành (huyện Krông Bông), sống bằng nghề làm nông nên công việc hằng ngày của ông thường xuyên phải tiếp xúc với đất, bùn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… Trong một lần làm việc do sơ suất, ông Hỷ bị dập ngón chân, tổn thương phần mềm, nhưng vì chủ quan nên ông không đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đến khi bàn chân mất cảm giác, đi lại khó khăn, ông mới đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh và đã phải cưa chân do bị nhiễm trùng.
Còn trường hợp của anh N.Q.Th (ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) làm nghề cơ khí, trong quá trình làm việc, đôi mắt của anh thường xuyên phải tiếp xúc với ánh phản sáng của gò hàn nên thị lực của anh đã bị ảnh hưởng. Vì chủ quan nên anh không đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Trong một lần làm việc trên mái nhà, anh cảm thấy mệt, thị lực yếu và nhìn mờ, do sơ ý, anh đã bị rơi xuống đất và gẫy chân.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2012 toàn tỉnh có 14% trường hợp chết do tai nạn lao động, 27% người lao động bị tàn tật, có 59% người bị tai nạn nhẹ do lao động, và Dak Lak là một trong những tỉnh có người lao động bị ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật cao nhất cả nước với hơn 1.300 trường hợp.
Bệnh nghề nghiệp có thể phòng, tránh được nếu người lao động thường xuyên tập luyện thể dục, nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng. Đối với người lao động trong môi trường bụi, hóa chất thì cần phải đeo khẩu trang, găng tay… khi làm việc; với người làm công việc văn phòng cần hạn chế thời gian tiếp xúc với máy tính…
Mỗi ngành, nghề đều có những đặc thù riêng, do đó, người sử dụng lao động, người lao động cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh phù hợp, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc, thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để nhằm dự phòng bệnh nói chung và bệnh nghề nghiệp nói riêng.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc