Multimedia Đọc Báo in

Chuyến hành trình mang nghĩa cử tri ân

08:46, 08/01/2013

Dù gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau và mất mát vẫn hiện diện trong bao gia đình mong tìm được hài cốt người thân đang nằm lại nơi chiến trường. Và chuyến công tác đi tìm mộ liệt sĩ do Công đoàn Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam phối hợp cùng với các cấp, các ngành của tỉnh Dak Lak tổ chức với kết quả tìm được 31 hài cốt liệt sĩ tại địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đã góp phần xoa dịu, mang lại sự an lòng đến nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ sau bao nhiêu năm đau đáu kiếm tìm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản (bên phải) cùng  đồng đội thắp  nhang  tưởng niệm  các   liệt sĩ.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản (bên phải) cùng đồng đội thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.

Dù 71 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Cỏn ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã vượt hàng nghìn cây số vào chiến trường Tây Nguyên, nơi cách đây 40 năm người em trai út của bà lên đường đi chiến đấu và đã hy sinh, nằm lại. Được tận mắt chứng kiến các ngành chức năng tổ chức tìm kiếm, phát hiện từng phần mộ hài cốt liệt sĩ, cụ Nguyễn Thị Cỏn nôn nao trông đợi thông tin về người em trai của mình. Những ngày vào đông, tiết trời Tây Nguyên se lạnh, công tác quy tập được tổ chức trong rừng sâu, tiến hành cả ngày lẫn đêm nhưng cụ Cỏn vẫn thức trắng đêm để chờ. Cụ Cỏn kể rành rọt về người em trai út: Năm 1968, Nguyễn Văn Dùng nhập ngũ và năm 1971 trong một lần về phép, hành trang của anh mang theo là bộ quân phục và chiếc bi đông. Trong thời gian nghỉ phép, những lúc rảnh rỗi anh lại lấy chiếc bi đông ra và nắn nót khắc tên mình lên đó. Vào cuối những năm 1971 chiến tranh ác liệt, Nguyễn Văn Dùng lên đường vào chiến trường B; đến năm 1973 gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về… Gia đình cụ Cỏn có 4 anh em trai thì người anh đầu và người em trai út là liệt sĩ. Đến năm 1975 người cháu nội của cụ Cỏn cũng vào chiến trường miền Nam và gặp được đồng đội cũ của người chú ruột của mình cung cấp cho gia đình tấm sơ đồ nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Dùng hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên và được chôn cất cách phần mộ của đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉnh cùng quê cách đó vài trăm mét. Nhưng do chiến tranh đã đi qua nhiều năm, địa hình nơi chiến trường xưa đã thay đổi nên gia đình nhiều năm đi tìm kiếm vẫn không có kết quả. Những kỷ niệm ấy là một trong những thông tin quý giá để các lực lượng tổ chức tìm kiếm, và phát hiện ngôi mộ có nhiều kỷ vật như: sao mũ, thắt lưng, cúc áo và chiếc bi đông có khắc dòng chữ Nguyễn Văn Dùng. Cầm chiếc bi đông trên tay, run run trong niềm xúc động, cụ Cỏn khẳng định đây đúng là kỷ vật của em trai mình.

Trong chuyến hành trình tìm kiếm di hài của người thân, đồng đội lần này, cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản ở xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (cũ) cũng tham gia với những hồi ức đáng nhớ: Ông đã từng tham gia chiến trường Tây Nguyên những năm 1970, thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Vào năm 1972 ở vị trí Km 110 thuộc xã Ea H’leo (trước đây được gọi là Chi khu) có nhiều đơn vị của ta làm nhiệm vụ đánh ngăn chặn, cắt đường Quốc lộ 14 không cho quân ngụy chi viện từ tỉnh Gia Lai vào Dak Lak. Tháng 3-1975, đơn vị của ông làm nhiệm vụ đánh cắt đường tại đèo Chư Rê, xã Ea Răl (huyện Ea H’leo). Lúc đó Trung đoàn 9 được bố trí 2 trung đội cảm tử, còn lại mật phục rải dọc trên sườn núi xuống. Với 120 kg bộc phá được ông và đồng đội đặt phá cống, đường, cùng sự phối hợp nhịp nhàng của lực lượng ta, quân ngụy rơi vào thế gọng kìm. Bộ đội ta đã dùng hỏa lực đánh tiêu hao một Tiểu đoàn pháo thuộc Trung đoàn 45 của ngụy, thu hồi nhiều vũ khí và phương tiện của địch. Tuy nhiên, trong trận đánh ấy, bộ đội ta cũng không tránh khỏi những hy sinh…

Trở lại nơi gần 40 năm trước đây là chiến trường, sau 4 ngày đêm (từ ngày 28 đến 31-12-2012) không quản khó khăn, vất vả cùng với các ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Toản phần nào đã thực hiện được ước nguyện đưa đồng đội hy sinh ở các chiến trường quy tụ về các nghĩa trang liệt sĩ. Trong chuyến đi tìm đồng đội này, với kết quả tìm được 31 hài cốt liệt sĩ, trong đó 8 liệt sĩ xác định được danh tính, 2 liệt sĩ được thân nhân đón nhận về an táng tại nghĩa trang quê nhà và một số liệt sĩ được đồng đội cũ xác định được phiên hiệu đơn vị, lòng mong mỏi của những người đi tìm mộ liệt sĩ, đi tìm di hài người thân, đồng đội đã thêm phần ấm áp.

Phan Diệm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.